Hiệp hội taxi TP.HCM cho rằng xe Grab phải gắn hộp đèn điện tử là công bằng và minh bạch. Ảnh minh họa: Internet |
Hiệp hội taxi TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ GTVT kiến nghị về việc giữ nguyên các nội dung trong dự thảo Nghị định quy đinh về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô của Bộ GTVT.
Theo văn bản mà ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM gửi đi nêu rõ, dự thảo vừa được Bộ GTVT trình lên Chính phủ (trong cuộc họp ngày 8/4 vừa qua) có nội dung khá đầy đủ và sát thực, tạo được khung pháp lý và hành lang pháp lý để các loại hình kinh doanh vận tải có cơ hội cạnh tranh lành mạnh, cùng tồn tại phát triển, cùng có cơ hội để thực thi đầy đủ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp.
Trước phản hồi của Grab về 4 nội dung trong dự thảo được gửi đi vào ngày 10/4 vừa qua, phía Hiệp hội taxi TP.HCM cho biết: “các góp ý này muốn hạ thấp vai trò quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực vận tải; muốn gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh để dễ dàng lách luật, né tránh sự kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng (thanh tra, csgt…) và né tránh nghĩa vụ với người lao động…đồng thời phá vỡ cơ cấu vận tải và vô hiệu hóa quyền quản lý dịa bàn của chinh quyền các địa phương gia tăng tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông…."
Phía Hiệp hội taxi cũng nhấn mạnh sự đồng tình với các quy định trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị đinh 86, đặc biệt là việc xác định các công đoạn của quy trình kinh doanh vận tải. Trong đó có các công đoạn thể hiện bản chất của kinh doanh vận tải đó là quyền điều hành (điều xe – lái xe) và quyền quyết định giá. "Với quy định này nếu doanh nghiệp có tham gia cả hai quy trình này thì đó là doanh nghiệp kinh doanh vận tải".
"Ngoài việc để phân biệt đơn vị kinh doanh vận tải với đơn vị khoongkinh doanh vận tải, quy địnhn này cung xác định trách nhiệm của chủ thể chính, các quyền và nghĩa vụ khác có liên quan như: doanh thu, chính sách lao động, bảo hiểm, thuế....", phía Hiệp hội taxi TP.HCM khẳng định.
Về khía cạnh gắn hộp đèn điện tử, Hiệp hội taxi TP.HCM cho hay: "Đối với các loại hình vận tải có bản chất giông nhau thì cần có điều kiện kinh doanh giống nhau. Do đó, việc gắn hộp đèn điện tử là dấu hiệu cơ bản để nhận diện một phương tiện có chức năng vận chuyển khách với các phương tiện khác. Hộp đèn này cũng giúp công tác thanh kiểm tra của các lực lượng chức năng thuận lợi hơn và có ý nghĩa minh bạch, văn minh trong kinh doanh vận tải hành khách, sự công bằng về điều kiện kinh doanh cho các phương tiện vận tải hành hách tại các đô thị".
Như ICTnews đã đưa tin trước đó, ông Lim Yen Hock, Giám đốc Grab cũng đã có văn bản góp ý gửi Bộ GTVT về dự thảo lần thứ 8 của Nghị định thay thế Nghị định 86.
Theo đó, Grab cho rằng quy định gắn hộp đèn trên nóc xe taxi kết nối với hành khách qua ứng dụng và xe hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử là không cần thiết. Lý do được nêu ra là nếu nhằm mục đích nhận diện xe kinh doanh cho cơ quan chức năng, thì tất cả các phương tiện đều đã được niêm yết phù hiệu “Xe Taxi” hoặc “Xe hợp đồng” trên kính trước của xe như quy định pháp luật.
"Nếu nhằm mục đích nhận diện xe cho hành khách thì cũng không cần thiết, vì thông tin về xe, lái xe, số điện thoại liên lạc của lái xe đã được cung cấp cho khách hàng qua ứng dụng để nhận biết xe được kết nối. Bên cạnh đó, các xe này cũng không phục vụ, đón khách vãng lai trên đường như đối với loại xe taxi bằng hình thức vẫy", văn bản góp ý nêu rõ.
Phía Grab cũng cho rằng quy định này có thể tăng chi phí kinh doanh cho đơn vị kinh doanh vận tải.
3 quy định khác được Grab góp ý là điều khoản quy định về hợp đồng vận chuyển; cơ quan quản lý cần quy định rõ ràng các khái niệm “trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe” hoặc “quyết định giá cước vận tải” và các điều kiện kinh doanh phù hợp với các công đoạn của hoạt động kinh doanh vận tải tương ứng.