Việt Nam được đánh giá là một trong năm quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số thường bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam gồm 53 dân tộc với gần 14 triệu người sinh sống trên diện tích 17 triệu ha, chiếm hơn 50% lãnh thổ Việt Nam, tập trung ở các vùng núi, trung du, ven biển, cửa sông, rừng đầu nguồn và các lưu vực sông, rừng ven biển, vùng sâu, vùng xa... nơi luôn bị tác động mạnh mẽ của thiên tai ngày càng nhìn nhận rõ hơn tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến đời sống hàng ngày tại các địa phương.
Trong những năm qua, biến đổi khí hậu đã tác động đến sinh kế của nhiều vùng dân cư trên khắp cả nước Việt Nam, đặc biệt là những người dân tộc thiểu số, nơi cuộc sống vốn dĩ phụ thuộc chủ yếu vào nông - lâm nghiệp, và chịu ảnh hưởng rất lớn từ thiên tai, thời tiết.
Theo ghi nhận, cộng đồng người Hmông và Dao (ở xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai), người Thái (ở xã Vàng San, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu), là những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như: mưa lớn gây lũ quét, sạt lở bờ sông, suối hoặc đường giao thông, mưa đá, giông, sét hoặc rét đậm (tình trạng băng đá), nắng nóng đến mức hạn hán… khiến cho sinh kế của người dân ở những địa phương này có nhiều thay đổi theo chiều hướng khó khăn.
Tại huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, khí hậu ngày càng khắc nghiệt gây thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, kinh nghiệm sản xuất hay tập quán canh tác bị thay đổi, nguồn nước ngầm, nước ở các khe suối ngày càng ít đi, lũ ống, lũ quét kéo theo sỏi, đá làm mất diện tích đất ở, đất canh tác, giảm năng suất cây trồng, vật nuôi, môi trường ô nhiễm sau thiên tai, gián đoạn việc học tập của con em.
Với cộng đồng dân tộc K’Ho, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng cũng đang bị tác động bởi mưa, nắng, nóng, lạnh thất thường không theo quy luật, sương muối, rét đậm, rét hại kéo dài ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, vật nuôi. Lũ quét, sạt lở đất làm cho các công trình giao thông, thủy lợi hỏng, tài sản bị mất, tính mạng của người dân cũng bị đe dọa.
Trong khi đó, tình trạng hạn hán kéo dài dẫn đến không có nước sinh hoạt, sản xuất như tại tỉnh Ninh Thuận xảy ra nghiêm trọng, tới 16 tháng không có mưa.
Còn ở Tây Nguyên, các hồ chứa, sông, suối, nước ngầm bị cạn kiệt. Rừng nguyên sinh bị suy giảm làm mất đa dạng sinh học. Rừng ở Buôn Đôn (Đắk Lắk), rừng ở Ba Tri (Phú Thọ), rừng Suối Tiên ở Cát Tiên (Lâm Đồng) bị thu hẹp, chim, thú mất dần.
Bởi vậy, bên cạnh các chính sách, chương trình nhằm cải thiện sinh kế cho các dân tộc thiểu số ứng phó với biến đổi khí hậu, rất cần được tiếp sức bởi chính bản thân bà con để có thể thích nghi với các giải pháp thích ứng như điều chỉnh mô hình, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với biến đổi khí hậu; sử dụng giống cây trồng chịu hạn; áp dụng các biện pháp chống xói mòn và quan trọng hơn cả là thói quen tiếp cận thông tin, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin.
Thanh Bình, Đình Thành, Minh Hưng, Diệu Bình, Kiều Oanh