Hỗ trợ trên 50 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vay vốn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên cho hay, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống của hộ nghèo, người dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng an toàn khu, biên giới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Giai đoạn 2016-2020, công tác giảm nghèo được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lạng Sơn, các đoàn thể chính trị xã hội quan tâm và được triển khai thực hiện đầy đủ, đồng bộ, kịp thời, góp phần thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững; tỷ lệ giảm hộ nghèo đạt, vượt chỉ tiêu đề ra. Nhờ đó, đời sống người dân trong tỉnh, nhất là người nghèo, cận nghèo, thôn, bản, xã nghèo được cải thiện rõ rệt.
Hỗ trợ hộ mới thoát nghèo nơi vùng cao biên giới. |
Đặc biệt, các lĩnh vực y tế, giáo dục và nhà ở, công trình cơ sở hạ tầng tại các huyện, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn được đầu tư, ngày càng hoàn thiện, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông, phát triển sản xuất, tạo thu nhập cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giảm bình quân hàng năm đạt 3,61%; đến cuối năm 2019 còn 10,89%.
Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ trên 50 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vay vốn để phát triển kinh tế gia đình với doanh số cho vay hơn 4.000 tỷ đồng. Người dân được thụ hưởng chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi đã nâng cao ý thức, sử dụng vốn đầu tư mở rộng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình và nâng cao đời sống, góp phần cơ bản thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Toàn tỉnh đã cấp được trên 1,7 triệu lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và người dân tộc thiểu số sinh sống tại các xã khó khăn và đặc biệt khó khăn với kinh phí trên 1.732 tỷ đồng; hỗ trợ trên 775.000 lượt học sinh, sinh viên với kinh phí trên 400 tỷ đồng; hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 cho 1.737 hộ để xây mới và cải tạo nhà ở với kinh phí trên 43,3 tỷ đồng…
Vẫn còn một số tồn tại
Tuy vậy, theo đánh giá của tỉnh Lạng Sơn, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 vẫn còn một số tồn tại như: Xuất phát điểm nền kinh tế của tỉnh còn thấp, đặc biệt là nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển sản xuất, là rào cản thực hiện các mục tiêu giảm nghèo; công nghiệp, dịch vụ, thương mại trên địa bàn chưa phát triển mạnh dẫn đến công tác giải quyết việc làm, tạo việc làm sau đào tạo nghề còn gặp nhiều khó khăn.
Cùng với đó, trình độ dân trí của người dân vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh còn thấp, khả năng tiếp thu, vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất vẫn chỉ ở vài mô hình sản xuất nhỏ lẻ, việc nhân rộng còn gặp nhiều khó khăn. Phong tục, tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số tuy bước đầu đã có sự đổi mới nhưng chưa rõ nét, trình độ canh tác vẫn còn lạc hậu, ít sáng tạo. Một số nội dung thuộc hợp phần dự án giảm nghèo phân tán, không tập trung dẫn đến khó khăn trong quản lý và tổ chức thực hiện…
Trước những khó khăn đó, tỉnh Lạng Sơn đề xuất, kiến nghị Chính phủ có cơ chế giải quyết khó khăn, thiếu hụt cho các hộ nghèo như nhà ở, vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin và các chính sách đặc thù cho các vùng khó khăn, biên giới. Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, kinh phí hỗ trợ từ Chương trình 135 như hiện nay còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư cho các công trình công cộng phục vụ nhu cầu tối thiểu của nhân dân.
Thúy Tình