Nhiều gói hỗ trợ lãi suất
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến hết tháng 7/2023, các ngân hàng thương mại mới thực hiện hỗ trợ lãi suất khoảng 681 tỷ đồng gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Cụ thể, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt gần 140.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt hơn 56.000 tỷ đồng cho gần 2.100 khách hàng. Ngân hàng Nhà nước ước tính đến hết năm nay, số tiền hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ ngân sách nhà nước với 40.000 tỷ đồng dự kiến đạt khoảng 2.570 tỷ đồng.
Trong khi đó, gói tín dụng thương mại 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, 12 địa phương công bố danh mục 25 dự án đủ điều kiện với nhu cầu vay hơn 13.000 tỷ đồng. Trong đó, Bình Dương có 4 dự án với nhu cầu vay vốn là 1.181 tỷ đồng, Bắc Ninh có 6 dự án với nhu cầu vay vốn là 3.381,33 tỷ đồng, Bắc Giang có 1 dự án với nhu cầu vay vốn là 1.838,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng của các địa phương đã rà soát hồ sơ, trình UBND cấp tỉnh xem xét như TP.HCM (6 dự án, nhu cầu vay vốn khoảng 2.776,6 tỷ đồng, Bình Định (6 dự án, nhu cầu vay vốn là 1.832 tỷ đồng)…
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã có Văn bản số 5631/NHNN-TD ngày 14/7, hướng dẫn ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô khoảng 15.000 tỷ đồng thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng; lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay; thời gian triển khai đến hết 30/6/2024.
Ngoài ra, các ngân hàng thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng, phù hợp với quy định pháp luật và quy mô hoạt động của ngân hàng. Đến nay đã có 13 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia Chương trình và thực hiện cho vay với doanh số giải ngân đạt gần 5.500 tỷ đồng cho gần 2.000 lượt khách hàng vay vốn.
Tại nhiều tỉnh, thành phố phía Nam, hoạt động cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và cho vay nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thủy sản đang được các tổ chức tín dụng thúc đẩy khá mạnh.
Ông Vương Trí Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho biết, tính đến cuối tháng 7/2023, hệ thống ngân hàng tại địa phương này đã cho vay khoảng 65.800 tỷ đồng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, riêng lĩnh vực thủy sản, do Đồng Tháp là khu vực nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu lớn nhất cả nước nên nguồn tín dụng được các ngân hàng tập trung rất mạnh.
“Ước tính đến cuối tháng 8/2023 đã có khoảng 12.800 tỷ đồng được các ngân hàng cho vay vào lĩnh vực này với mức lãi suất ưu đãi theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP. Hiện nay, có khoảng gần 50 doanh nghiệp và 5.900 hộ nuôi, hợp tác xã tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp, trong đó có 10 doanh nghiệp thủy sản được hưởng hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP”, ông Phong cho biết.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã nỗ lực triển khai các gói tín dụng ưu đãi với mức giảm từ 0,5% - 3%/năm tuỳ đối tượng khách hàng. Mức lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm thêm từ 0,5% - 1,5%/năm trong nửa cuối 2023 đến đầu 2024.
Tiếp tục giảm lãi suất
Tính từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đã giảm 1-2,5% tuỳ kỳ hạn - mức giảm sâu hơn mức giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Hiện lãi suất huy động của hệ thống ở hầu hết các kỳ hạn đã giảm về tương đương mặt bằng lãi suất tại thời điểm tháng 9/2022, duy chỉ còn lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng là đang cao hơn 0,3% so với thời điểm tháng 9/2022.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, tính đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%).
Ông Tú cho rằng, chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như hiện nay, khi các ngân hàng đang tồn kho tiền, còn doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, không có đầu ra cho sản phẩm.
Vì thế, dù ngành ngân hàng đã liên tục rà soát, tháo gỡ khó, tổng cầu của nền kinh tế suy giảm, đơn hàng sụt giảm nên các doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới có xu hướng tăng lãi suất, tác động gián tiếp vào sự hấp thụ vốn của nền kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng được cho là rào cản của tín dụng, đó chính là áp lực lãi suất cho vay. Ở giai đoạn cuối năm ngoái không ít ngân hàng đẩy lãi suất huy động lên cao. Trong đó, kỳ hạn 12 tháng lên tới hơn 11%/năm, làm cho lãi suất cho vay trong nền kinh tế Việt Nam ngắn hạn lên tới 13-15%/năm, trung và dài hạn 17-18%năm.
Trong khi đó, với mức lạm phát của Việt Nam chỉ kiểm soát mức khoảng 3-4% hiện nay, theo các chuyên gia, lãi suất cho vay ngắn hạn của VND chỉ nên khoảng 7-8%/năm, cho vay trung dài hạn khoảng 10-12%/năm là hợp lý.
Theo ông Phạm Duy Hiếu, quyền Tổng giám đốc ABBank, bên cạnh định hướng hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, room tín dụng được phân bổ cho các ngân hàng, thì những tín hiệu phục hồi tốt từ thị trường và các chính sách khuyến khích đầu tư, tiêu dùng cùng công tác giải cứu bất động sản của Chính phủ… sẽ tạo ra động lực thúc đẩy nhu cầu tín dụng tăng và cải thiện hơn cuối năm và vào đầu năm tới.