- Các ý kiến của khách mời tham gia bàn tròn trực tuyến cho rằng, thay vì đầu tư tiền cử sinh viên ra nước ngoài học, nên hỗ trợ cho những người trở về, thậm chí là sử dụng ngay những người tài ở nước ngoài.
Xem các phần trước
|
Hình thành thế hệ nhà khoa học nội địa mạnh
Ông Hoàng Minh Sơn: Chúng tôi cũng muốn đề xuất tới nhóm thứ hai. Đó là những bạn mới tốt nghiệp tiến sĩ về. Lực lượng này rất đông và về sau sẽ tạo một nền tảng nên cần có sự hỗ trợ bước đầu.
Hiện nay trung bình đào tạo tiến sĩ ở nươc sngoài mất khoảng một trăm ngàn đô, vậy chúng ta hỗ trợ các em độ hai mươi ngàn để trong hai năm đầu các em có cơ sở ban đầu sẽ rất thuận lợi.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Ý kiến của anh Sơn tôi ủng hộ. Mình phải hình thành nên một thế hệ các nhà khoa học nội địa chứ không phải cứ đi vay mượn nước.
Tôi cũng đang nghiên cứu cùng các bộ ngành đề nghị với Thủ tướng lập một quỹ hay hình thức nào đó để hỗ trợ thông qua các đề tài. Cái đấy là lợi ích kép, vừa được nghiên cứu, vừa giữ chân được.
Chúng ta phải tạo ra được một thế hệ các nhà khoa học trong nước, chứ chúng ta cũng không nên quá nhấn mạnh vào nước ngoài.
Vì vậy, yếu tố thu hút về rất quan trọng nhưng nếu như kích hoạt được các nhân tố bên trong lên nữa thì tôi thấy lợi ích cao hơn nhiều.
Sao trường phải quản lý mà không biết các em có về không?
GS Ngô Bảo Châu: Về vấn đề thu hút các nghiên cứu sinh, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài mà cụ thể các em đi học theo chương trình học bổng 911 hơi cứng nhắc.
Trong cam kết cũng chưa quy định rõ các em về nước phải làm việc trong bao lâu. Mặt khác lại quá chặt chẽ. Sinh viên do trường Bách khoa cử đi thì trường cũng phải ký một cái giấy là sẽ nhận người đó về.
Người đi học phải ký cam kết về làm việc cho nhà nước nhưng không có lý do gì mà các trường ĐH phải cam kết nhận về. Việc nhận về hay không phải tùy năng lực của nghiên cứu sinh. Tôi nghĩ cần rà soát lại việc này.
Ông Hoàng Minh Sơn: Tôi xin kiến nghị, trong cơ chế cử sinh viên đi học ở nước ngoài thì nhà nước hỗ trợ 50% còn 50% là cho các em vay. Khi nào các em về làm cho các cơ quan nhà nước hay cho các trường ĐH thì mỗi năm nhà nước sẽ trừ chi phí đó đi.
Nếu các em quyết định ở lại nước ngoài làm một thời gian thì các em sẽ phải trả lại số tiền vay 50% đó cho nhà nước. Như vậy sẽ là hợp đồng hỗ trợ đi học, khác với việc nhà nước hay trường cử đi và yêu cầu về.
Hiện nay, các bạn cam kết là về nhưng nếu không về cũng khó đòi lại tiền. Nếu đã ký hợp đồng nhận tài trợ của nhà nước thì rõ ràng các em phải có trách nhiệm và trong đó có người bảo hộ nữa cam kết là nợ nhà nước tiền.
Hiện nay là trường cử đi học, sau trường lại tiếp nhận các bạn ấy về. Và trường vẫn phải quản trong quá trình các bạn đi dù các bạn không biết có về không.
Liệu chúng ta có nên thay đổi tư duy đó không?
Ông Hoàng Minh Sơn. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
"Nhà nước sẽ không can thiệp vào việc bố trí ai đi, ai về"
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Chương trình học bổng 911 bên cạnh rất nhiều cái được, cũng bộc lộ những cái yếu mà các anh vừa nêu. Bộ cũng đã kiến nghị với Chính phủ là tiến tới phải sử dụng hiệu quả quỹ này.
Chúng ta sẽ chuyển dần từ việc cử đi học tới việc gắn người đi học với hiệu quả đơn vị mà anh ta làm việc. Cách của anh Sơn cũng là một giải pháp nhưng chưa phải bản chất của cái vướng hiện nay.
Khi không có cơ chế căn cứ vào hiệu quả của bên cử đi và người được cử đi, dẫn đến việc không thực hiện hợp đồng là rất nhiều.
Tôi cho rằng nếu làm tốt tự chủ đại học thì sẽ giải quyết được việc này.
Những trường nào mạnh thì nhà nước sẽ đặt hàng và cấp học bổng. Ông hiệu trưởng không nhất thiết phải gửi người học mấy năm mà có thể dùng ngay một ông tiến sĩ đang học ở nước ngoài về.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ |
Với cơ chế đó, trường tư mà làm tốt thì cũng được cấp học bổng. Nếu trường tư nghiên cứu tốt, thì giao đề tài cho họ. Quan điểm của tôi là trường công hay trường tư về cơ bản là bình đẳng.
Bây giờ tôi thấy một số trường tư cũng rất năng động. Vừa rồi, chính sách của mình cũng đã khuyến khích nhưng mới dừng lại ở “sinh nhiều, dưỡng ít”. Các trường tư mọc ra nhiều lắm nhưng “dưỡng” và quản lý họ ít dẫn đến cả hệ thống khó khăn. Tới đây, chúng ta rà soát lại, đã “sinh” thì phải “dưỡng”.
Ông Hoàng Minh Sơn: Cho đến nay, Trường Đại học Bách khoa HN cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm.
Bây giờ, các trường không muốn nhận thạc sĩ mà chỉ muốn nhận tiến sĩ thôi. Bởi nhận các em thạc sĩ, sau các em đi học, không biết các em có về không mà lại mất công quản lý.
Thực ra cán bộ của trường đi bằng học bổng tự xin được nhiều hơn là bằng học bổng 911. Khi các em về, nhà trường sẽ tạo điều kiện ký hợp đồng.
Nếu nhà nước có cơ chế hỗ trợ thì trong 2 năm đầu các em có thể hòa nhập lại.
Đó là cơ chế hữu hiệu nhất. Thay vì chúng ta hỗ trợ cho các em đi học thì hỗ trợ cho các em khi về.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tôi cũng nghĩ nên đi theo hướng ấy, có nghĩa là theo hướng hậu kiểm.
Cứ tiến sĩ đang làm việc tốt, những năm đầu tiên về, khởi nghiệp thông qua những đề tài để kinh nghiệm tăng lên chứ chúng ta không đi theo hướng đối ứng khoa học.
Đối với các đại học lớn, đặc biệt là các nhà khoa học, thậm chí bây giờ cũng không nên phân biệt quá là các nhà khoa học quốc tịch Việt hay nước ngoài miễn là họ mang lại cho ta những sản phẩm tốt.
Phần cuối: GS Châu tranh luận với Bộ trưởng Nhạ về bỏ biên chế giáo dục
Vào 14h chiều 8/8, VietNamNet tổ chức bàn tròn trực tuyến với chủ đề“Chính sách thu hút người Việt Nam ở nước ngoài trở về đóng góp xây dựng đất nước”. Khách mời tham gia chương trình:
|
Ban Giáo dục