Với vị trí tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, cửa ngõ vùng Tây Bắc, Hoà Bình có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Trên địa bàn tỉnh có 173 điểm di tích, danh thắng được quản lý, bảo vệ, nhiều hang động chứa đựng những di chỉ khảo cổ của nền "Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng.
Tỉnh có 4 khu bảo tồn thiên nhiên (Ngọc Sơn - Ngổ Luông, Thượng Tiến, Pu Canh, Hang Kia - Pà Cò) đa dạng về hệ sinh thái; nguồn nước khoáng nóng tại huyện Kim Bôi, Lạc Sơn, Yên Thuỷ… Hồ Hoà Bình có diện tích mặt nước 8.000 ha, dung tích 9,5 tỷ m3 với nhiều đảo, tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình, được ví như hòn ngọc của tỉnh và đã được phê duyệt quy hoạch phát triển thành Khu du lịch Quốc gia. Công trình thủy điện Hòa Bình huyền thoại gắn với hồ Hòa Bình là điểm đến hấp dẫn.
Đặc biệt, Hòa Bình có nền văn hóa độc đáo của các dân tộc Mường, Tày, Thái, Dao, Mông... trong đó, dân tộc Mường chiếm 63,3%. Cộng đồng các dân tộc còn gìn giữ được bản sắc riêng. Họ là chủ nhân của những làn điệu dân ca ngọt như mật ong, trong như dòng suối, của những áng mo sử thi "Đẻ đất - Đẻ nước”, của gần 10 nghìn chiếc chiêng, các nghề truyền thống và nhiều lễ hội như: chùa Tiên, Khai hạ Mường Bi, đền Bờ, Xên Mường Mai Châu… Văn hóa ẩm thực của các dân tộc cũng rất độc đáo. Vị trí thuận lợi cùng những tài nguyên du lịch thiên nhiên đa dạng, tài nguyên nhân văn độc đáo, hấp dẫn là tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch văn hoá, sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh, thể thao - giải trí, mạo hiểm...
Với tiềm năng, lợi thế trên, việc xây dựng điểm đến hấp dẫn, hình ảnh người Hòa Bình đẹp, văn minh, thân thiện, mến khách tạo dấu ấn đối với đồng bào trong nước và cộng đồng quốc tế là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
Đặc biệt, việc thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hòa Bình đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xu thế hội nhập quốc tế được UBND tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng, cần tập trung chỉ đạo thực hiện.
Về xây dựng và phát triển toàn diện nhân cách con người, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục về nhân cách - thẩm mỹ - tri thức nhằm xây dựng con người hướng tới những giá trị chân - thiện - mỹ. Thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh chống âm mưu "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa và chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo quản lý tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đảm bảo trang trọng, đúng quy định, đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc và tín ngưỡng với những nội dung đặc sắc, thu hút đông đảo nhân dân đến tham quan, chiêm bái. Đấu tranh loại trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, các hành vi tiêu cực, cơ hội, các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội được các cấp tích cực thực hiện tốt.
Ngày 04/11/2019, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 45/2019/QĐ-UBND quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh. Trong đó, quy định các nghi lễ trong đám cưới được tổ chức trang nghiêm và giữ được thuần phong mỹ tục. Việc tổ chức tang lễ đảm bảo đúng giờ giấc, an ninh trật tự, dần loại bỏ các hủ tục rườm rà, tốn kém, lạc hậu. Các lễ hội được tổ chức đúng quy định, giữ gìn nét văn hóa, bản sắc văn hóa của dân tộc. Công tác chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực.
Về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao chất lượng thực hiện các tiêu chí công nhận "Gia đình văn hóa", "Làng văn hóa", "Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa" gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đi vào chiều sâu.
Chú trọng nhân rộng gia đình văn hóa, xóm, bản, khu dân cư văn hóa. Toàn tỉnh có gần 90% hộ gia đình được công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa", trên 90% khu dân cư đạt tiêu chuẩn khu dân cư văn hóa, trên 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; có 11 nhà văn hóa cấp huyện, 120 nhà văn hóa xã, 1.550 nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố và khu thể thao thôn, xóm, tổ dân phố.
Ngoài xây dựng văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa lành mạnh, tỉnh chú trọng đến xây dựng văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội.
Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp được quan tâm chỉ đạo trên cơ sở ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả, quan tâm đến quyền lợi người lao động, nghĩa vụ với Nhà nước, địa phương, giữ uy tín đối với các đối tác để sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững. Hoạt động xây dựng phát triển thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa tại địa phương được xác định là hướng đi chiến lược nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong thương mại, thúc đẩy khai thác tiềm năng phát triển kinh tế của địa phương.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030", ngày 12/4/2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 39/KH-UBND thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình". Theo đó, Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ cụ thể cho từng lĩnh vực như quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, thiết kế thời trang, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm. Trong đó, du lịch văn hóa trở thành ngành kinh tế dịch vụ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực công tác quản lý nhà nước về văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh; gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh với nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hoá. Chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, hoạt động quản lý, phát triển thị trường văn hóa gắn với thu hút đầu tư phát triển du lịch từng bước được đẩy mạnh.
Hiện nay, tỉnh đang mời gọi, thu hút đầu tư các dự án phát triển du lịch để hình thành các khu, điểm du lịch có chất lượng cao, trọng tâm là phát triển Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình và các địa phương có tiềm năng như Kim Bôi, Lạc Sơn, Lạc Thủy...
Tỉnh cũng đề nghị các địa phương triển khai thực hiện quy định quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Toàn tỉnh hiện có 41 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 61 di tích cấp tỉnh, hơn 102 điểm di tích được bảo vệ.
Các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được chú trọng gìn giữ, phát huy. Đến nay, tỉnh đã có 4 di sản văn hóa phi vật thể được trao bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia gồm: Mo Mường Hòa Bình; Nghệ thuật Chiêng Mường Hòa Bình; Lễ hội Khai Hạ; Lịch Tre của người Mường Hòa Bình.
Cùng với đó, UBND tỉnh đã ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện các Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 15/3/2022 thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 19/4/2022 thực hiện Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 05/5/2022 thực hiện Chiến lược văn hóa đối ngoại tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2022 - 2026.
Phạm Hải, Duy Khánh, Thu Hoài, Bạch Hân