Triển lãm Áp lực ngược của Hoàng Tường Minh trưng bày trên 20 tác phẩm điêu khắc chất liệu đá và kim loại, hơn 10 phác thảo được ông thực hiện từ nhiều năm. 

Nghệ sĩ mang đến một câu chuyện nghệ thuật có chủ đề chính là lực/áp lực. Đây cũng là hai mạch ngôn ngữ nghệ thuật và tư duy tạo hình khác nhau, được đánh số và đặt tên gợi mở về nội dung là NguồnÁp lực.

Triển lãm tạo ra một không gian thưởng thức nghệ thuật thị giác, vừa gợi mở khả năng tương tác tư duy. Trong đó, “áp lực” sẽ là lực đẩy hai chiều giữa người sáng tạo và công chúng.

Hoàng Tường Minh thuộc thế hệ nghệ sĩ điêu khắc hoạt động chuyên nghiệp, tích cực từ sau giai đoạn mỹ thuật đổi mới tại TP.HCM cho đến nay. Ở tuổi 60, nam nghệ sĩ có độ chín về nghề và đủ thời gian cân nhắc cho việc ra mắt triển lãm cá nhân đầu tiên, như một giới thiệu ngắn gọn cho hành trình nghệ thuật trên 30 năm.

Các tác phẩm thuộc phần 'Nguồn' mang nhiều hình tượng, ý nghĩa ẩn dụ. 

Triển lãm được chia làm 2 phần: NguồnÁp lực. Trong đó, Nguồn là loạt sáng tác có ngôn ngữ hình khối phần nào tương tự các tác phẩm điêu khắc đá từng được ông thực hiện. Nội dung xoay quanh chủ đề lớn về tính nữ, tính phồn thực, gợi ý về các truyền thuyết nguồn gốc dân tộc và tôn giáo. 

Trong khi đó, loạt tác phẩm Áp lực pha trộn ngôn ngữ tối giản và nhấn mạnh tâm lý thị giác, từ đó gợi ra những câu hỏi về các cặp đối lập như cứng/mềm, nặng /nhẹ… đưa đến hướng suy tưởng giữa không thể/có thể. 

Đá và kim loại - 2 nguyên liệu cứng, thô được Hoàng Tường Minh biến hóa qua góc nhìn thẩm mỹ của mình. 

Hoàng Tường Minh gặp không ít thử thách với việc tạo hình. Ông đã thao tác với những lát đá phiến, những viên gạch kim loại lớn, biến chúng từ vật chất cứng rắn – từ biểu tượng nền móng vững chắc thành vật chất “có vẻ dễ thao túng”. Nghệ sĩ tạo ra điểm mở vô hình ở các vật như dây thép gai, xích sắt, ống thép ở mức độ vừa đủ tạo ra tâm lý thắc mắc cho người xem để họ tự lý giải. 

Hoàng Tường Minh sinh năm 1962 tại Tuyên Quang. Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 1990, ông chọn TP.HCM định cư, làm việc, đã tham gia khoảng 30 triển lãm chung về điêu khắc, hơn 10 trại điêu khắc chuyên nghiệp tại Việt Nam và quốc tế.

Sắp tới, các điêu khắc gia khác ở TP.HCM như Phan Phương, Trần Việt Hưng… cũng tái xuất bằng các triển lãm cá nhân. Đây được xem là điều hiếm gặp ở lĩnh vực này trong hơn 10 năm qua, đồng thời là tín hiệu khởi sắc của điêu khắc TP.HCM.