- Những người cựu chiến binh tuổi gần đất xa trời đều không sao cầm được nước mắt khi đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có người được chiến đấu cùng Đại tướng, có người được gặp, có người mới được nhìn thấy Đại tướng từ xa.
Ông Trần Ngọc Toại, 83 tuổi, là cựu chiến binh của cả hai cuộc kháng chiến, đi xe buýt từ Đông Anh lên từ sáng sớm. Ông may mắn không phải chờ lâu giữa dòng người xếp hàng dài trên phố Hoàng Diệu vì được các thanh niên tình nguyện đưa vào viếng trước.
"Vào rồi tôi cũng chỉ kịp chắp tay vái ba vái, cái mũ cối còn kẹp ở nách đây, chứ đâu có được dừng lại để thắp một nén hương. Nhưng thôi thế cũng là đạt mục đích rồi. Trên đường đi ra tôi ngoái lại nhìn, nhận thấy ảnh trên ban thờ là ảnh Bác Giáp chụp năm 1960, là năm tôi được ngó thấy Bác Giáp từ xa, là năm Bác đẹp nhất, trẻ và hồng hào", ông Toại kể..
Ông Trần Ngọc Toại. Ảnh: Hoàng Hường |
Người lính già chia sẻ lúc diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là lính đồng bằng, chiến đấu dưới xuôi phối hợp với Điện Biên Phủ. Đến năm 1960, ông được nhìn thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi vị Tổng tư lệnh ngồi trên ôtô đi qua cầu Đuống. "Tôi chỉ được nhìn thấy bác qua cửa kính", ông Toại chia sẻ. "Từ đó trở đi không thấy ai nói đến việc Bác Giáp bị ốm cả, cho đến khi bác về hưu. Còn trong suốt 30 năm, qua hai cuộc chiến tranh, dường như ông cụ không ốm đau gì".
Tối 4/10 ông Toại đi bách bộ nên đến sáng hôm sau ông mới biết tin khi người cháu thông báo "Ông ơi, cụ Giáp mất rồi!".
"Biết tin rồi sau
đó khi xem trên TV, tôi ngồi mà nước mắt cứ trào ra", người cựu chiến binh kể.
Ông Hoàng Thanh Tân, 76 tuổi, đi máy bay từ Nha Trang ra viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và sẽ chờ đến khi truy điệu xong mới trở vào.
"Nghe tin Bác Giáp mất tôi buồn lắm. Là người lính đã chiến đấu ở hai thời kỳ, nhiều lần được gặp Đại tướng nên tôi cảm động lắm, nhất định phải ra viếng Bác", ông Tân kể. "Tôi đến từ sáng, chờ từ lúc ở trước cổng Lăng, lên đến đây thì được các đồng chí an ninh dắt vào, tôi vái được ba vái".
Ông Hoàng Thanh Tân |
Là người lính miền Nam ra tập kết ngoài Bắc, ông Tân được vinh dự gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp một lần vào mùng 1 Tết năm 1960 ở Trường sĩ quan lục quân khóa 10 ở sân bay Bạch Mai. "Khi Bác Giáp đến thăm và chúc Tết học viên toàn trường, bác hỏi các chiến sĩ, sĩ quan miền Nam có nhớ quê hương không, chúng tôi trả lời nhớ lắm nhưng vẫn cố gắng chiến đấu", người cựu chiến binh từng chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên năm 1953-1954 kể.
"Những người đồng đội của tôi, nhiều người mất rồi, những người còn sống thì lúc nào cũng có nguyện vọng được gặp lại Bác Giáp", ông Tân rưng rưng nói.
Đoàn cựu chiến binh của ông Phùng Trọng Hưng, 83 tuổi, có nhiều người ốm nên không đi cùng nhau được, ông tự đi xe buýt từ Đông Anh lên và nhập vào đoàn viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
"Tôi là người lính Điện Biên đây, bộ binh đơn vị Bế Văn Đàn, tiểu liên lựu đạn trực tiếp chiếm hầm Đờ-cát", ông Hưng tự hào nói.
Ông Phùng Trọng Hưng. |
Người cựu chiến binh kể sau khi giải phóng Điện Biên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp liên hoan quân dân trên cánh đồng Mường Thanh, ông đã múa xòe, hát ca, hò reo tưng bừng. "Nhưng từ ngày đó tôi không được gặp lại Bác Giáp nữa, hội cựu chiến binh mấy lần tổ chức sang mừng thọ bác mà không đi được", giọng người lính già trầm xuống.
"Vừa nãy vào viếng mà tôi không cầm được nước mắt, giờ nói chuyện đây, nhớ đến những đồng đội của mình, tôi lại muốn khóc", ông Phùng Trọng Hưng chia sẻ. "Đây là nỗi đau thương của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, nhưng với tôi, công ơn và tình cảm của Đại tướng là có một không hai, không thể tả hết được".
"Bác Giáp luyện quân, giáo dục quân đội đúng là ba cùng, ăn đói ăn khát, không hề là tướng mà ăn no ăn đủ để quân đói", người cựu chiến binh quê gốc Vĩnh Phúc kể. "Gian khổ là thế nhưng tôi vẫn tin tưởng vào Bác Hồ, Bác Giáp, vẫn tin tưởng vào chiến thắng, vào ngày giải phóng, hòa bình. Vì Đại tướng đã giáo dục quân đội đoàn kết, quyết tâm cao, không sợ hy sinh".
Ông Phùng Trọng Hưng đọc to bài thơ tự sáng tác để kính viếng hương hồn Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
Đại tướng mất rồi
bao nỗi đau
Toàn thể dân tộc thương tiếc sầu
Đã mất vị tướng văn võ tuyệt
Toàn quân ruột thắt nhói tim đau
Ôi quá là thương
tiếc vô cùng
Ý tựa non cao biển mênh mông
Vị tướng hiếu trung dạ sắt đồng
Luyện quân hiện đại lập chiến công
Dâng lên mừng Đảng đồng mừng Bác
Giữ vững non sông mãi mạnh giầu
Qua sông nhờ có
đầu cầu
Ghi công liệt sĩ khắc câu tâm này
Bài và ảnh: Chung Hoàng