“Các bằng chứng mà phía Trung Quốc (TQ) viện dẫn chỉ là sự bịa đặt, nhằm thực hiện tham vọng quyền lực của họ mà thôi”, Bill Hayton tuyên bố tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 7.

Hội thảo Biển Đông năm nay diễn ra trong một bối cảnh khá đặc biệt, thứ nhất đây cũng là đang trong thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh ASEAN và ASEAN đã thông qua Tuyên bố Kuala Lampua về thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN, điều này cho thấy sự lớn mạnh của ASEAN. Thứ hai, ngày 24/11/2015 cũng là ngày mà Toà trọng tài thường trực tiếp tục cuộc điều trần lần thứ hai để lắng nghe lập luận của các bên trong vụ Philipines kiện TQ.

Có ba vấn đề quan trọng thu hút sự quan tâm của nhiều người trong hội thảo lần này, đó là “đường lưỡi bò”; vấn đề TQ phá huỷ, bồi lấp các rặng san hô để xây dựng thành các đảo nhân tạo cùng các tuyên bố và hành động tuần tra trong vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo này từ Hải quân Hoa Kỳ; và phán quyết đầu tiên của Toà trọng tài về vụ Philippines kiện TQ.

{keywords}
Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: EPA.

Các học giả TQ luôn bị cô lập với những lập luận “không giống ai”. Những quan điểm cố hữu của họ như để bảo vệ cho “đường lưỡi bò” nhưng vì đường này đã tồn tại rất lâu trước khi UNCLOS có hiệu lực vì thế không thể áp dụng UNCLOS ở đây được. Quan điểm này không được các học giả quốc tế chấp nhận, vì đã coi thường nguyên tắc “rule of law” mà các quốc gia cần phải tuân thủ nếu muốn chấp nhận cùng tồn tại trong sân chơi chung của cả thế giới.

Học giả TQ Nong Hong trong bài tham luận của mình cho rằng, cần phải duy trì nguyên tắc về “quyền lịch sử” trong luật quốc tế, cho dù trong thực tế, cộng đồng quốc tế đã cất quy định về “quyền lịch sử” vào trong lịch sử.

Phản bác các quan điểm của phía TQ về “đường lưỡi bò”, Bill Hayton từ Anh Quốc đã chỉ ra rất rõ là “đường lưỡi bò” chỉ bắt đầu từ một bản đồ mơ hồ của tư nhân, và các cứ liệu lịch sử của TQ biện minh cho đường này chỉ là sự tưởng tượng, chứ chẳng có sự thật lịch sử nào cả, các bằng chứng mà phía TQ viện dẫn chỉ là sự bịa đặt, nhằm thực hiện tham vọng quyền lực của họ mà thôi.

Có lẽ, mập mờ trong các yêu sách của mình, để thực hiện một cách quyết đoán, cương quyết, giành những lợi thế trên thực địa, từ đó gia tăng ưu thế của mình trong tranh chấp, bất chấp mọi luật pháp hay dư luận chính là chiến lược của TQ tại Biển Đông.

Về vấn đề bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo, các học giả TQ lặp lại sự biện minh từ các quan chức TQ, cho rằng, bên vi phạm về xây đảo phải là từ Việt Nam, Philippines, chứ TQ không có lỗi trong việc xây dựng đảo này.

Phía TQ luôn mô tả rằng kẻ gây hấn trong cuộc chiến cân não và cơ bắp hiện nay tại Biển Đông chính là Mỹ. Theo cách nhìn của Bắc Kinh, Mỹ đang xâm phạm vùng biển TQ đã từ lâu coi là lãnh thổ. Hơn nữa, Mỹ thực hiện quyền tự do hàng hải trong khi thậm chí không tham gia vào Công ước Liên hợp quốc về luật biển hiện hành.

Các học giả cũng tranh luận về các Tuyên bố của Mỹ về việc tuần tra trong vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà TQ mới bồi lấp, xây dựng và trang bị các phương tiện quân sự trên đó. Việc tuần tra của phía Mỹ không vi phạm luật quốc tế, và phía Mỹ có vẻ khá tự tin khi tuyên bố điều này, tuy nhiên, hành động tuần tra của hải quân Hoa Kỳ dường như chỉ là “đi qua không gây hại” chứ không phải là tuần tra theo đúng nghĩa của nó.

Ngay trong nội bộ Hoa Kỳ cũng đã tranh luận rất nhiều về vấn đề này, thậm chí, Chủ Tịch uỷ ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain đã kêu gọi Lầu Năm Góc công khai làm rõ ý định pháp lý của cuộc tuần tra của nước này vào tháng 10 trong vùng 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo của TQ đã xây dựng ở Biển Đông.

Rõ ràng Mỹ có động cơ trong việc đưa tàu chiến đi qua quần đảo Trường Sa. Ngoài mục tiêu chính là bảo vệ quyền tự do hàng hàng hải, Mỹ cũng muốn phát đi thông điệp rằng Mỹ vẫn là một nhân tố chủ chốt tại khu vực Châu Á-TBD, đồng thời cũng nhằm củng cố lại lòng tin của các nước đồng minh trong khu vực vốn đang có tranh chấp Biển Đông với TQ.

Bằng cách làm này, Mỹ không trực tiếp thách thức chủ quyền của TQ- đây là một yếu tố rất quan trọng. Từ trước đến nay, Mỹ chưa từng can thiệp vào giải quyết tranh chấp xem vùng lãnh hải và quần đảo này thuộc về nước nào; Mỹ cũng chưa đứng về bên nào, ngay cả với các đồng minh. Điều này tạo ra một tình huống chấp nhận được với TQ, cho phép tiếp tục các kênh đàm phán ngoại giao.

{keywords}
Hội thảo Biển Đông lần thứ 7. Ảnh: thanhnien.

Tình huống này cho thấy, cả TQ và Mỹ đều hết sức kiềm chế để tránh đụng độ nhau ở biển đông, các bên đều ra sức tranh thủ dư luận và sự ủng hộ quốc tế cho các hành động của mình cũng như cân nhắc các hành động nối tiếp trước sự đáp trả của đối phương để duy trì các lợi ích của mình thông qua vấn đề này.

Về vụ Philippines kiện TQ ngày 29/10/2015 Toà trọng tài đã công bố phán quyết đầu tiên về vụ kiện, trong đó khẳng định rõ thẩm quyền của Toà đối với tranh chấp mà Philippines nêu trong đơn khởi kiện gửi lên Toà hồi tháng 1/2013. điều này góp phần dập tắt các lập luận của phía TQ khi họ luôn tìm cách bác bỏ thẩm quyền của Toà trọng tài trong tranh chấp này.

Tuy nhiên, như học giả Batongbacal từ Philippines cảnh báo, đây chưa phải là chiến thắng, chỉ mới là thuận lợi bước đầu, mọi khả năng còn đang ở phía trước. Tuy nhiên, Philippines luôn tin tưởng họ sẽ chiến thắng, vì công lý vẫn còn trong luật pháp quốc tế.

Trước luật pháp quốc tế, không chỉ cứ là cường quốc thì sẽ thắng, mà các nước nhỏ sẽ dựa vào đó để bảo vệ các quyền lợi của mình.

Vụ kiện này cũng mở đường cho các quốc gia khác trực tiếp liên quan trong tranh chấp biển đông có thể đơn phương đưa những vấn đề liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 ra Toà trọng tài tương tự để giải quyết.

Ông Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao - một trong các cơ quan chủ trì hội thảo, trong các phát biểu của mình luôn nhắc đến mục tiêu các bên trong tranh chấp Biển Đông cần ngồi xuống để ký kết bản COC, nhằm giảm thiểu các xung đột tiềm ẩn cũng như tiếp tục xây dựng niềm tin giữa các bên, nhằm biến Biển Đông thành một khu vực hoà bình thịnh vượng.

Nhưng làm thế nào để có thể làm được điều đó? vẫn là một câu hỏi mà chưa có ai có thể trả lời. Làm thế nào để lấy lại niềm tin khi niềm tin đã bị đổ vỡ? Khi các bên, đặc biệt là các cường quốc đều chỉ muốn lợi ích của riêng mình, mà không cần nghĩ đến những tương lai xa xôi cho số phận của hàng triệu người dân sống trong khu vực này, cũng như lợi ích cho toàn thể cộng đồng thế giới, trước một khu vực giàu tài nguyên và tiềm năng phát triển như Biển Đông.

Hoàng Việt