Đó là những hoạt động diễn ra tại Space Faire - ngày hội STEAM và khám phá vũ trụ do Trường song ngữ True North School và Q4 Excellence (đối tác của của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ - NASA) tổ chức ngày 7/1.

Gửi thông điệp lên Trạm Vũ trụ Quốc tế là hoạt động nổi bật nhất của ngày hội với sự dẫn dắt của ông Danny Kim, Giám đốc Điều hành Q4 Excellence. 

Học sinh được hoạt động theo nhóm và sử dụng các quy tắc mã hóa khối đơn giản (block coding) để gửi một thông điệp lên Trạm Vũ trụ Quốc tế. 

Ở hoạt động này, các em cũng được quan sát không gian từ Trạm Vũ trụ Quốc tế thông qua công nghệ thực tế ảo (VR) do Q4 Excellence cung cấp.

Học sinh quan sát không gian từ Trạm Vũ trụ Quốc tế thông qua công nghệ thực tế ảo VR được cung cấp bởi Q4 Excellence - đối tác của của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA).

Theo đại diện True North School, mọi người thường nghe nói đến Trạm Vũ trụ Quốc tế nhưng cảm thấy rất xa vời. Vì vậy, việc sử dụng công nghệ để hàng trăm học sinh có cơ hội gửi thông điệp lên ISS đã mang đến cơ hội trải nghiệm thú vị và mới lạ cho các em.

Qua đó, nhà trường cũng mong khơi dậy ở các học sinh trí tò mò, niềm đam mê khám phá vũ trụ.

“Chúng tôi tin rằng mỗi học sinh đều có thể là một nhà khoa học, nhà du hành vũ trụ, là những người phá vỡ các giới hạn và thực hiện ước mơ của mình, đồng thời mang tới nhiều bước tiến cho thế giới trong tương lai”, đại diện True North School chia sẻ.

Học sinh tham gia hoạt động gửi thông điệp đến Trạm Vũ trụ Quốc tế.

Tại ngày hội, Trung tướng Phạm Tuân cũng mang đến cho học sinh những câu chuyện truyền cảm hứng từ những điều bản thân ông được trải nghiệm, từ bay chiến đấu đến bay vào vũ trụ, qua đó giúp các em hiểu rõ hơn về không gian vũ trụ.

Trung tướng Phạm Tuân cho rằng cần khơi dậy sự tò mò, trí sáng tạo trong mỗi học sinh. Việc cho trẻ tiếp cận với vũ trụ, hàng không, thiên văn... từ bé, trong nhà trường, là điều kiện thuận lợi để các em phát triển sau này.

“Từ trước tới nay, nền giáo dục của chúng ta thường tập trung học về lý thuyết nên còn kém thực tế. Học trên giấy tờ, nguyên lý thì chúng ta học rất tốt nhưng khi ra thực hành thì rất khó khăn”.

Các em học sinh thích thú khi được giao lưu, trò chuyện với Trung tướng Phạm Tuân - phi hành gia, phi công Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ.

Theo Trung tướng Phạm Tuân, học và hành cần gắn với nhau, tuy nhiên, các trường học của chúng ta chưa làm được nhiều do cơ sở vật chất còn thiếu thốn.

“Mơ ước thì nhiều lắm nhưng các em cần đánh giá đúng mình để có định hướng tốt. Tôi nghĩ đó là điều cần thiết đối với các bạn trẻ.  Để rồi có quyết tâm, không nhụt chí và khơi dậy sáng tạo. Lý thuyết thì sách vở viết hết rồi.

Nếu cứ học theo sách thì chỉ mãi đi sau. Tôi mong sao cũng những lý thuyết như vậy nhưng các em có thể sáng tạo ra cái mới của mình, của quê hương, đất nước mình. Đó mới là điều quan trọng”, Trung tướng Phạm Tuân nói.

Bên cạnh đó, các học sinh cũng được khám phá và “nhúng mình” vào các thử thách STEAM với những khoa học công nghệ tiên tiến nhất như sử dụng công nghệ thực tế ảo để quan sát hình ảnh mô phỏng của hệ Mặt Trời, giúp hiểu thêm về thiên văn học và vật lý.

Ngoài ra, các em được thiết kế một phương tiện vận chuyển đá trên Sao Hỏa sử dụng thế năng đàn hồi của dây cao su; nghiên cứu về những bộ phận và thiết kế mũ bảo hộ cho các phi hành gia...