Đây là một trong những hoạt động trải nghiệm “học” thông qua “hành” được Trường phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội) tổ chức cho học sinh khối 9 đến 12.
Không giống những tiết học đơn thuần trên lớp, tại đây, các em được tham quan mô hình của một sàn giao dịch, tìm hiểu cách vận hành của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bên cạnh đó, học sinh cũng được trực tiếp trao đổi, đặt những câu hỏi thắc mắc về lĩnh vực tài chính, chứng khoán tới các chuyên gia tại sàn.
Việc được học ở một không gian khác lạ với nhiều trải nghiệm thực tế, khiến nhiều học sinh cảm thấy thích thú, không ngại đưa ra các câu hỏi về chủ đề “hot” của giới đầu tư.
Hiểu thế nào là 'thổi' giá chứng khoán
Kết thúc buổi trải nghiệm, nhiều học sinh chia sẻ đã hiểu hơn những khái niệm cơ bản của việc lập kế hoạch tài chính cá nhân và thực tế hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Có niềm đam mê với các lĩnh vực kinh tế, em Lê Tố Thi (học sinh lớp 10) chia sẻ, qua thực tế em nhìn nhận rõ hơn về kênh đầu tư chứng khoán.
“Ở trường, chúng em cũng được dạy về đầu tư, tài chính, tuy nhiên, trước lúc đến đây, em chưa mường tượng được trong một sàn giao dịch chứng khoán thì hoạt động ra sao, mọi người sẽ làm những công việc gì ở đó, những con số nào cần được xử lý. Qua hỏi - đáp với các chuyên gia, em biết thêm được nhiều điều mà trước đây khi đọc qua sách báo, tin tức trên mạng chưa hiểu rõ”.
Đặt nhiều câu hỏi với chuyên gia, Tố Thi đã được giải đáp các thắc mắc về chứng khoán. Chẳng hạn "Thường thì chứng khoán phản ánh độ tăng trưởng của một doanh nghiệp, song thực tế, có những doanh nghiệp không tăng trưởng nhiều, thậm chí còn đang thua lỗ, nhưng bằng nhiều cách thức, nguồn tin, họ 'thổi' giá cổ phiếu để vẫn có nhiều người mua. Cuối cùng họ phá sản, kéo theo nhiều người thua lỗ”.
Qua trải nghiệm, Thi cho rằng, kể cả những người đã nghỉ hưu hay dù còn rất trẻ đều có thể đầu tư chứng khoán, bằng một số tiền không nhất thiết phải quá lớn. Điều quan trọng là phải có kiến thức và hiểu biết để chấp nhận mạo hiểm, rủi ro khi quyết định dồn một số tiền vào cổ phiếu, trái phiếu.
Còn với Nguyễn Trang Linh (học sinh lớp 10), hiểu biết thêm về đầu tư và quản lý tài chính cá nhân là điều bổ ích nhất em thu nhận từ buổi học trải nghiệm này.
Linh kể, trước khi tham dự những buổi học thực tế, em cũng như các bạn được giáo viên yêu cầu nghiên cứu, tìm hiểu trước kiến thức, trường hợp cụ thể để có hiểu biết nhất định, tổng quan chung, qua đó nắm bắt nhanh hơn về các lĩnh vực.
Cô giáo Phạm Lệ Thủy cho hay, nhà trường coi trọng việc định hướng nghề bắt đầu từ cấp THPT. Đây là hoạt động trải nghiệm được trường tổ chức hàng tháng tại các doanh nghiệp, bắt nguồn từ khảo sát nhu cầu của học sinh.
Trong chuỗi tìm hiểu về lĩnh vực tài chính và đầu tư, nhà trường đã kết nối với nhiều doanh nghiệp khác nhau để tổ chức cho các em đến tham quan, học hỏi thực tế vận hành và được truyền cảm hứng từ các thế hệ đi trước.
“Việc này không chỉ giúp các học sinh hiểu hơn về các ngành học tương lai, mà quan trọng hơn là tạo cảm hứng, động lực, định hướng nghề nghiệp sau này. Chúng tôi hy vọng qua các buổi thực tế này, học sinh sẽ thực sự được trải nghiệm, hiểu vai trò quản lý tài chính cá nhân và định hướng nghề nghiệp rõ nét hơn”.