Đều đặn thứ 2, 5, 7 hàng tuần, Nguyễn Thúy Quỳnh (học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Thái Bình) sẽ mặc đồng phục tới trường theo quy định. Những ngày còn lại, học sinh được tự do mặc quần áo theo sở thích, miễn sạch sẽ, gọn gàng.

Quy định này của nhà trường, theo Quỳnh là khá hợp lý, bởi việc duy trì mặc đồng phục đã rèn luyện cho nữ sinh tác phong ăn mặc chỉnh tề, tôn trọng trường học. Tuy vậy, học sinh vẫn có những 'không gian riêng' để thể hiện cá tính, phong cách của bản thân.

'Ở trường em, học sinh lớp 11, 12 sẽ không phải mua lại đồng phục hàng năm nếu không có nhu cầu. Đầu năm lớp 10, toàn bộ học sinh sẽ đăng ký mua theo lớp với hai chiếc áo sơ mi mùa hè, giá 140.000 đồng/áo và một áo khoác mùa đông giá 180.000 đồng/áo. Mức giá này em nghĩ không quá đắt đỏ và hầu hết đều có thể chi trả được', Quỳnh nói.

Với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, Quỳnh cho biết, nhà trường cũng sẵn sàng hỗ trợ hoặc miễn giảm một phần, đảm bảo tất cả học sinh đều có áo đồng phục để mặc.

Thúy Quỳnh cho rằng, đồng phục trường chính là 'niềm tự hào', 'màu cờ sắc áo'.

Chiếc áo đồng phục, theo Quỳnh, sẽ phần nào xóa nhòa đi ranh giới giữa giàu – nghèo trong môi trường học tập. Đây cũng là một loại trang phục 'ít bị lỗi mốt', học sinh có thể mặc hàng năm.

Hơn nữa, chiếc đồng phục có gắn logo trường cũng sẽ là một màu sắc riêng và là niềm tự hào của nhiều thế hệ học sinh khi theo học tại trường.

'Nếu bỏ đồng phục, học sinh nghèo ngoài việc phải chịu áp lực vì thiếu các thiết bị điện tử hay những đôi giày đắt tiền, vô tình cũng thêm mặc cảm vì vấn đề trang phục', Quỳnh nêu quan điểm.

Tuy nhiên, nữ sinh cho rằng, việc mặc đồng phục cũng không nên quá gò bó. Các trường có thể quy định mặc một vài ngày trong tuần. Ngoài ra, đồng phục học sinh cũng nên có giá cả phù hợp, chất liệu dễ mặc để mọi học sinh đều có thể tiếp cận.

Còn với Dương Quỳnh Mai (học sinh Trường THPT Đống Đa, Hà Nội), thay vì mỗi ngày phải nghĩ một kiểu quần áo để mặc, khi có đồng phục trường, nữ sinh cũng không phải mất nhiều thời gian nghĩ 'xem ngày mai mặc gì'.

'Không chỉ tiết kiệm thời gian do không bị 'quá tải lựa chọn', em nghĩ việc mặc đồng phục cũng sẽ giúp tiết kiệm thêm tiền bạc do không phải mua sắm quá nhiều quần áo', Mai nói.

Tuy nhiên, Mai cũng cho rằng, các trường nên có một vài ngày để học sinh được mặc đồ tự do, thoải mái.

'Tự do không có nghĩa ăn mặc lòe loẹt, phản cảm, ví dụ như quần rách, áo thun không cổ, quần áo quá hở hang,… làm ảnh hưởng đến hình ảnh của học sinh. Học sinh vẫn cần chọn trang phục đảm bảo tính lịch sự, nghiêm chỉnh trong môi trường giáo dục', Mai bày tỏ.

Từng là thành viên của dự án thiết kế đồng phục (Hust uniforms collection) tại ĐH Bách Khoa Hà Nội, Lâm Thị Ánh (sinh viên K65) cho hay, việc mỗi trường có bộ đồng phục riêng sẽ là đặc điểm nhận diện thương hiệu, giúp phân biệt học sinh/sinh viên các trường và là 'sợi dây kết nối' giữa nhiều thế hệ sinh viên.

'Trường càng danh tiếng, đồng phục càng mang nhiều ý nghĩa. Đối với em, khi được khoác trên mình bộ đồng phục ĐH Bách khoa Hà Nội, em cảm thấy rất tự hào về truyền thống, bản sắc của ngôi trường mình đang theo học', Ánh tự hào.

Đồng phục ĐH Bách khoa trong dự án Hust uniforms collection.

Ánh cho biết, nhiều trường đại học trên thế giới cũng đều có đồng phục riêng. Những bộ trang phục của Hust uniforms collection rất đặc thù, thuận lợi cho sinh viên trong học tập lẫn tập luyện giáo dục thể chất. 

Ngoài ra, theo Ánh, tùy đặc thù từng trường/khoa/ngành học, đồng phục có thể thiết kế phù hợp với bản sắc riêng của trường/khoa/ngành đó.

'Nếu đồng phục thiết kế đẹp, đa dạng, có thêm lựa chọn và chất lượng tốt, chắc chắn nhiều sinh viên sẽ chọn mua đồng phục', Ánh đề xuất.

Đồng phục, tưởng chỉ là một câu chuyện nhỏ liên quan đến quần áo. Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ quyền tự do biểu hiện bản sắc, phong cách, cá tính, tự do lựa chọn của từng em học sinh, và điều kiện hoàn cảnh từng gia đình thì đằng sau câu chuyện đồng phục có lẽ cũng có nhiều điều cần trao đổi, nhìn nhận lại.  

Ban Giáo dục báo VietNamNet mở diễn đàn: "Học sinh có cần mặc đồng phục không?". 

Mời bạn đọc gửi ý kiến về: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!