36/50 số ứng viên GS, PGS ngành Y và ngành Dược đã được Hội đồng GS ngành thông qua bị tố cáo chủ yếu liên quan tới công bố khoa học (30 ứng viên ngành Y, 6 ứng viên ngành Dược).
Riêng ngành Y học có 45 ứng viên được hội đồng GS Cơ sở đề nghị xét công nhận đạt chuẩn GS, PGS. Tuy nhiên, chỉ có 40 ứng viên được Hội đồng GS ngành thông qua (9 ứng viên GS, 31 ứng viên PGS). Như vậy, có tổng cộng 30/40 ứng viên GS, PGS đã được thông qua của ngành Y bị tố chưa đạt tiêu chuẩn.
Trong đó, đa số các ứng viên bị tố công bố bài báo khoa học trên các tạp chí mở (OA). Ngoài ra, một số ứng viên bị tố không minh bạch về số bài báo.
Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Garvan (Úc), vấn đề nổi cộm nhất trong việc xét GS, PGS ở Việt Nam là một số ứng viên công bố trên tập san "dỏm" hay tập san "săn mồi" (predatory journals).
Việc này hay còn gọi là kĩ nghệ xuất bản khoa học dỏm mà cách đây 5 năm và gần nhất là năm ngoái ông đã đề cập tới. Vấn đề hiện nay là phân biệt tập san chính thống và tập san "săn mồi" (phi chính thống) càng ngày càng khó khăn vì các tập san phi chính thống thay đổi liên tục.
Công bố khoa học trên tạp chí phi chính thống là vi phạm quy ước về đạo đức công bố |
"Chẳng hạn trong danh sách công bố của ứng viên, tôi thấy có ít nhất một tập san mà hội đồng GS và chuyên gia phản biện cho rằng thuộc nhóm Q1 (chính thống) nhưng thật ra là tập san "dởm".
GS Tuấn cho rằng năm nay nhiều ứng viên GS, PGS bị tố đăng bài trên tạp chí OA nhưng nếu nói "gian dối" thì quá nặng nề và không đúng với bản chất của sự việc. Thực tế các ứng viên GS, PGS đã kê khai đầy đủ những bài báo họ công bố cùng những chi tiết về tập san, thời gian, số báo, số trang tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là đạo đức công bố (publication ethics) khoa học. Đạo đức công bố bao gồm những quy ước nhằm nhắc nhở nhà khoa học không được giả tạo dữ liệu, không được vặn vẹo dữ liệu theo ý mình, không công bố theo kiểu nhỏ giọt, không công bố 1 bài trên nhiều tập san, không công bố trên tập san phi chính thống...
"Ở đây các ứng viên công bố trên một số tập san "ngoài luồng" hay phi chính thống, do đó có thể nói họ vi phạm quy ước về đạo đức công bố khoa học. Vấn đề là ở Việt Nam không có nơi nào có những khoá học về đạo đức công bố cho các giảng viên đại học hay các nghiên cứu sinh, nên sự việc xảy ra cũng không quá ngạc nhiên"- ông Tuấn nói
Theo dõi công bố khoa học của các ứng viên GS, PGS của Việt Nam ngành Y và ngành Dược của Việt Nam, GS Nguyễn Văn Tuấn nhìn nhận, các bài báo trong ngành Y Sinh học và Dược học chiếm khoảng 37% tổng số bài báo khoa học từ Việt Nam trên các tập san trong danh mục ISI và điều đáng mừng là con số này vẫn tăng mỗi năm.
Nhưng điều đáng quan tâm là khoảng 90% các bài báo về Y Sinh học từ Việt Nam là do hợp tác quốc tế và do người nước ngoài chủ trì. Nói cách khác chỉ có 10% là do nội lực Việt Nam trong khi ở các nước như Thái Lan, Malaysia, Singapore, tỉ lệ này là 50%.
"Đa số các công trình nghiên cứu Y Sinh học từ Việt Nam có hợp tác quốc tế, được công bố trên những tập san có ảnh hưởng cao và được trích dẫn nhiều lần. Nhưng tuyệt đại đa số các bài báo nội lực thì chỉ xuất hiện trên các tập san có ảnh hưởng thấp. Điều này cho thấy đầu tư cho nghiên cứu y khoa ở Việt Nam còn quá thấp và hiệu suất cũng còn thấp. Cần phải có một sự thay đổi từ căn bản về chính sách đầu tư cho nghiên cứu Y học, đầu tư cho năng lực khoa học, và công bố khoa học liên quan đến ngành Y"- GS Nguyễn Văn Tuấn đề xuất.
Chủ tịch Hội đồng GS ngành Y: Sẽ có giải trình
PGS.TS Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Hội đồng GS Nhà nước, cho biết sau khi nhận được thư của GS Nguyễn Ngọc Châu, Hội đồng GS Nhà nước đã yêu cầu Hội đồng GS ngành Y và ngành Dược rà soát lại hồ sơ các ứng viên. "Hiện nay Hội đồng GS ngành Y và ngành Dược đang rà soát lại và sẽ có báo cáo giải trình về vấn đề này"- ông Tuấn nói.
GS Mai Trọng Khoa, Thư ký Hội đồng GS ngành Y học thông tin, hiện Hội đồng GS ngành Y chuẩn bị họp về vấn đề các ứng viên GS, PGS bị tố, khi có kết quả sẽ báo cáo lên Hội đồng GS Nhà nước.
Trong khi đó, GS Đặng Vạn Phước, Chủ tịch Hội đồng GS ngành Y, cho hay chuyện đăng ở tạp chí khoa học như thế nào khá phức tạp. Hiện nay có hàng nghìn tạp chí và có những dạng vừa hoạt động khoa học vừa có business (kinh doanh). Hội đồng GS ngành Y sẽ có những bài viết để giải trình vấn đề này.
GS Phước cho rằng những tạp chí như thế nào chắc chắn sẽ phải có sự chuẩn hóa. Tuy nhiên, sẽ phải có một bộ phận có trách nhiệm công bố hàng năm.
GS Đặng Vạn Phước thừa nhận công bố khoa học của ngành Y rất ít do người trong nước chủ trì bởi công bố khoa học của ngành Y rất khó. Trong đó, nghiên cứu về y học cơ sở là những chuyện không liên quan đến bệnh tật nhưng đòi hỏi phải có phòng thí nghiệm, phương tiện càng hiện đại thì mới được tin tưởng.
Về nghiên cứu lâm sàng (chữa bệnh) cũng càng ngày càng khó vì càng ngày càng nhiều bệnh chữa được. Do vậy, những kĩ thuật phải được chứng minh và phải rất tinh vi mới có giá trị, không như cách đây 30-40 năm có thể thống kê là chữa cái gì.
“Y học là lĩnh vực rất rộng. Hướng nâng cao chất lượng là đúng nhưng tùy đặc thù từng ngành. Có những cái nếu đòi hỏi chất lượng quá cao thì cuối cùng chả quan tâm vì không có ai nghiên cứu và công bố, trong khi đó có những chuyện đời thường vẫn rất cần thiết. Cũng không thể nói rằng chạy theo số lượng công bố khoa học mà chất lượng kém, nhưng nếu chạy theo chất lượng mà không có bài nào đăng, không giải quyết được những vấn đề rất nhỏ có khi trong đời thường rất cần”- GS Phước nói.
Lê Huyền
36/50 ứng viên GS và PGS ngành Y, Dược bị tố không đạt chuẩn
Thêm 21 ứng viên GS, PGS ngành Y vừa bị tố và nghi ngờ không đạt tiêu chuẩn. Tính tổng cộng có 36/50 ứng viên của ngành Y, Dược (hơn 70%) bị tố cáo dù đã được Hội đồng GS ngành thông qua.
Người có nhiều trích dẫn trên thế giới bị loại khỏi danh sách xét GS
Vì sao Phó Giáo sư (PGS) Nguyễn Thời Trung, Trường ĐH Tôn Đức Thắng - nhà khoa học từng lọt tốp những nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới bị loại khỏi danh sách xét công nhận chức danh Giáo sư (GS) năm 2020?