Tại phiên kỹ thuật sáng ngày 7/12, các đại biểu, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và diễn giả đã trình bày các báo cáo khoa học, các công trình nghiên cứu, thảo luận về thực trạng, định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ trong các lĩnh vực về điện tử, truyền thông và CNTT.
Phiên kỹ thuật sẽ có 66 báo cáo, công trình nghiên cứu được gửi đến Hội nghị, trong đó có 54 báo cáo đã được chấp nhận và 22 báo cáo được trình bày trong 4 tiểu ban bao gồm: tiểu ban Truyền thông và vô tuyến; tiểu ban Kỹ thuật điện tử; tiểu ban Công nghệ thông tin và mạng; tiểu ban xử lý tín hiệu cùng với 32 báo cáo được trình bày bằng Poster. Trong đó có các báo cáo đáng chú ý như: Các tiềm năng ứng dụng của 5G, quan điểm và nhận thức của các bên liên quan ở Việt Nam; Phân tích, đánh giá hiệu năng mã hoá video với chuẩn H.265/HEVC; Cải thiện độ chính xác của hệ thống định vị trong nhà PDR sử dụng mã QR; Phân tích dữ liệu số chiều lớn bằng một số phương pháp học máy…
Cụ thể, nhóm tác giả Trần Minh Tuấn, Hoàng Việt Huy, Đặng Thị Hoa, Đồng Hoàng Vũ, Hồ Tấn Quang, Đinh Khánh Lê đã giới thiệu về tiềm năng ứng dụng của mạng 5G. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đã đưa ra đề xuất về mô hình phát triển mạng 5G ở Việt Nam, không chỉ dựa vào khách hàng cá nhân mà còn hướng đến các khách hàng tổ chức, doanh nghiệp, Chính phủ. “Quyết tâm của Chính phủ nếu đi kèm với những giải pháp cụ thể như gia tăng chi tiêu công cho việc sử dụng các dịch vụ 5G sẽ là nguồn lực thúc đẩy to lớn để các nhà khai thác viễn thông di động ở Việt Nam sớm tiến đến thương mại hoá 5G mà không phải chờ đợi nhu cầu thị trường”, đại diện nhóm tác giả nhấn mạnh.
Nhóm tác giả Trần Minh Tuấn, Hoàng Việt Huy, Đặng Thị Hoa, Đồng Hoàng Vũ, Hồ Tấn Quang, Đinh Khánh Lê đã giới thiệu về các tiềm năng ứng dụng của mạng 5G, trong đó đề xuất việc gia tăng chi tiêu công cho việc sử dụng các dịch vụ 5G để thúc đẩy sớm thương mại hoá. |
Buổi chiều cùng ngày sẽ diễn ra Diễn đàn “Thúc đẩy phát triển thông tin di động 5G và ứng dụng” trên cơ sở báo cáo từ các tập đoàn sản xuất thiết bị phục vụ cho phát triển mạng 5G như Qualcomm, Huawei và các doanh nghiệp thông tin di động của Việt Nam như VNPT, Viettel, MobiFone. Các đại biểu sẽ thảo luận về những bước chuẩn bị thiết yếu cho việc phát triển mạng 5G tại Việt Nam cũng như việc khai thác các lợi thế khi mạng này được phủ sóng rộng khắp trên cả nước.
Hội nghị Quốc gia lần thứ 22 về Điện tử, truyền thông và CNTT có sự tham gia của 200 đại biểu đại diện cho các Bộ, ngành, các hội, hiệp hội trong lĩnh vực CNTT và truyền thông, các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực điện tử, truyền thông, CNTT và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng đã huy động được hơn 10 doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT và truyền thông mang đến các giải pháp, sản phẩm để giới thiệu với các nhà khoa học cũng như các đơn vị truyền thông để có những trao đổi học thuật hướng đến hoàn thiện cho việc phát triển mạng 5G ở Việt M như Vision, MobiFone, VNPT, Huawei…
Bên lề Hội nghị, Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam sẽ tổ chức lễ chúc mừng các tân Giáo sư, Phó Giáo sư mới được Hội động Giáo sư Nhà nước công nhận năm 2019 và Nhà Khoa học tiêu biểu do Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam vinh danh.
MobiFone mang đến giải pháp Kyzpro, cho phép người dùng có thể quản lý việc truy cập Internet và sử dụng các thiết bị thông minh của trẻ nhỏ khi kết nối Internet qua mạng Wifi và 3G/4G. |