Ngày 30/11/2015, Hội nghị thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) đã chính thức khai mạc tại Paris.

Như vậy, mặc dù các đoàn đại biểu đã tề tựu sớm hơn một ngày so với dự kiến, tức ngày 29/11/2015 Chủ Nhật, nhưng chủ yếu để bắt đầu sớm việc thảo luận nội dung hội nghị, chứ chưa làm lễ khai mạc chính thức như thông tin ban tổ chức đưa ra từ ngày 25/11 trước đó.

{keywords}

Cổng vào COP21 ở Paris với 2.800 cảnh sát và lực lượng hiến binh đã được huy động tới bảo vệ địa điểm diễn ra hội nghị. Ảnh: Nguồn AP.

Lễ khai mạc chính thức COP21 diễn ra đúng ngày 30/11/2015 như lịch trình đặt ra từ lâu với sự tham dự của 150 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ đến từ 195 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự hội nghị.

Ngoài ra, có khoảng 40.000 đại biểu từ 195 quốc gia tham gia và theo dõi COP21. Hôi nghị kéo dài từ 29/11 đến 11/12/2015 với mục tiêu đạt được thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý đầu tiên nhằm hạn chế khí thải nhà kính, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, ngăn ngừa toàn cầu nóng lên thêm 2 độ C - ngưỡng sẽ gây ra ngập lụt toàn cầu theo khuyến cáo của các nhà khoa học. Nhiệt độ trung bình ngày nay là 15 độ C.

Từ phiên làm việc đầu tiên, ngoài lãnh đạo các nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ (chiếm 50% lượng khí thải thế giới), còn có cả sự tham gia của tỷ phú Bill Gates, nhà sáng lập Microsoft. Ông đã vận động lãnh đạo các nước khởi động chương trình nghiên cứu và phát triển năng lượng sạch trị giá nhiều tỷ USD. Theo Guardian, Mỹ và 18 quốc gia khác, đã cam kết tăng gấp đôi ngân quỹ dành cho nghiên cứu năng lượng sạch, lên tổng cộng 20 tỷ USD trong 5 năm,

Trong cuộc họp mang tính trù bị ngày 29/11/2015, các đại biểu đã tiến hành xây dựng lịch làm việc cho 12 ngày thương thuyết và phân chia các chuyên gia thành 15 nhóm để thảo luận theo những chủ đề cụ thể như tốc độ phù hợp để giảm lượng phát thải carbon giữa các nước khác nhau có tính đến quy mô nền kinh tế và trình độ phát triển của các nước đó, các biện pháp chuyển giao công nghệ để phát triển năng lượng tái tạo, những giải pháp tài chính, sự tham gia của các doanh nghiệp thông qua việc sử dụng năng lượng sạch và đầu tư vào công nghệ mới…

Mặc dù có lệnh cấm biểu tình trước đó do nước Pháp đang trong “tình trạng khẩn cấp, ngay trước thềm lễ khai mạc chính thức COP21, chiều 29/11, khoảng 5.000 người đã biểu tình ở quảng trường Cộng hòa tại Paris. Các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã diễn ra khi một số người biểu tình quá khích sử dụng nến và hoa đặt dưới chân tượng đài tại quảng trường Cộng hòa nhằm tưởng niệm các nạn nhân bị sát hại trong loạt vụ tấn công khủng bố ngày 13/11 và ném về phía cảnh sát, buộc cảnh sát phải dùng các biện pháp mạnh để trấn áp.

Trên toàn thế giới, hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình đòi các nhà lãnh đạo thế giới phải có quyết tâm chính trị và thực hiện những biện pháp mạnh mẽ chống hiện tượng biến đổi khí hậu.

Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nơi phát ra 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn thế giới, được kỳ vọng sẽ đưa ra các cam kết cắt giảm ở mức cao, đóng góp tích cực vào quá trình làm chậm lại việc nóng lên của Trái Đất.

Hội nghị đã bắt đầu với một phút mặc niệm dành để tưởng nhớ những nạn nhân trong các vụ tấn công khủng bố ở Paris hôm 13/11 vừa qua.

{keywords}

Các thượng khách Hội nghị Thượng đỉnh COP21 bắt tay nhau. Ảnh: Nguồn Reuters.

Phát biểu khai mạc COP21, Tổng thống Pháp Francois Hollande bày tỏ hy vọng các nhà lãnh đạo thế giới sẽ có quyết tâm cao để cùng đạt được một thỏa thuận lịch sử nhằm chung tay đối phó với biến đổi khí hậu. Tổng thống Francois Hollande bày tỏ cảm ơn đến các nước trên thế giới sát cánh cùng nước Pháp trong thảm kịch khủng bố vừa qua. Ông nói tiếp: "Tôi muốn nói đến hai thách thức lớn mà chúng ta phải đối mặt là khủng bố và thảm họa do biến đổi khí hậu. Chúng ta phải để cho thế hệ con cháu một thế giới không phải lo sợ khủng bố đồng thời có một môi trường sống bền vững.”

Bước lên diễn đàn Hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng nhấn mạnh thông điệp: "Thành công tại COP21 Paris phụ thuộc vào các nhà lãnh đạo của các quốc gia thế giới... Người dân trên thế giới và các thế hệ sau này trông chờ vào tầm nhìn và lòng dũng cảm của các nhà lãnh đạo trên thế giới trong việc nắm lấy thời cơ lịch sử này”.

Theo chương trình Hội nghị COP21, sẽ có các bài phát biểu của Tổng thống Mỹ, Tổng thống Nga, Chủ tịch Trung Quốc, Thủ tướng các nước như Anh, Ấn Độ, Đức, Nhật Bản.... Hội nghị kéo dài cho đến hết ngày 11/12/2015.

Minh Trần