Sở NN-PTNT TP. Hà Nội vừa có báo cáo về công tác sản xuất nông nghiệp và kết nối, cung ứng hàng hóa nông lâm thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh phục vụ người dân trên địa bàn thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Báo cáo nêu rõ, Hà Nội có khoảng 10,33 triệu người đang sinh sống, học tập và làm việc. Nhu cầu lương thực, thực phẩm cần dùng mỗi tháng rất lớn. Tuy nhiên, phần lớn hàng lương thực, thực phẩm tự sản xuất trong thành phố đáp ứng gần đủ nhu cầu. Mặt hàng thịt gia cầm còn có phần dư thừa, bởi mỗi tháng sản lượng xuất chuồng khoảng 10.671 tấn, trong khi nhu cầu của thành phố chỉ cần 6.198 tấn/tháng.  

Một số mặt hàng thực phẩm phải nhập thêm từ các tỉnh thành khác với khối lượng lớn như: thịt trâu, bò (nhập 80,7%); rau củ phải nhập thêm 34,9%; thực phẩm chế biến nhập tới 81%.

{keywords}
Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, hàng hoá trong siêu thị, chợ vẫn vẫn dồi dào (ảnh: TL)

Cụ thể, về mặt hàng gạo sản lượng sản xuất của Hà Nội khoảng 338.028 tấn/vụ (trung bình khoảng 56.338 tấn/tháng), trong khi nhu cầu một tháng của thành phố là 92.970 tấn, đáp ứng được 65,6% nhu cầu tiêu dùng của người dân, cần cung cấp từ bên ngoài thành phố là 36.632 tấn/tháng (39,4%).

Mặt hàng thịt lợn, sản lượng xuất chuồng khoảng 17.500 tấn/tháng, nhu cầu là 18.594 tấn/tháng; thịt trâu, bò sản lượng xuất chuồng đạt 1.032 tấn/tháng, trong khi nhu cầu lên tới 5.350 tấn/tháng.

Tương tự, trứng gia cầm nhu cầu Hà Nội cần dùng là gần 124 triệu quả, nhưng sản lượng trứng xuất chuồng tại Hà Nội chỉ khoảng 116,7 triệu quả. Nhu cầu về thuỷ sản khoảng 12.350 tấn; thực phẩm chế biến cần 5.165 tấn,...

Sản lượng rau củ sản xuất đạt 67.299 tấn/tháng, trong khi nhu cầu của TP. Hà Nội là 103.300 tấn/tháng.

Để đảm bảo cung ứng nguồn hàng hoá, Sở NN-PTNT cho biết, cần tăng cường kết nối các sản phẩm nông lâm thủy sản từ các tỉnh, thành phố, trọng tâm phối hợp 21 tỉnh, thành phố đã xây dựng 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cung cấp cho TP. Hà Nội. 

Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT sẽ phối hợp Sở Công Thương theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình về sản xuất, nguồn cung, tiêu thụ nông sản của thành phố. Đồng thời, tổ chức địa điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời; triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch tại địa điểm nêu trên. 

Triển khai đến các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối hiện đại... thực hiện phương án đảm bảo nguồn hàng trong tình hình dịch bệnh (tăng nguồn hàng dự trữ, triển khai nhiều hình thức cung ứng đa dạng: trực tuyến, bán hàng đồng giá, bán hàng đăng ký trước... ).

Sở NN-PTNT cũng lưu ý, phải duy trì 113 kho lạnh của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản. Ước tính sức chứa của các kho lạnh là 42.000 m3, đảm bảo đáp ứng tốt khả năng bảo quản các sản phẩm nông lâm thủy sản yêu cầu bảo quản đặc biệt; 65 doanh nghiệp có kho bảo quản chuyên các sản phẩm có nguồn gốc động vật (trừ thủy sản). Bởi, đây là những kho hàng giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản tích trữ hàng hóa đảm bảo phân phối và lưu thông hàng hóa.

Hà Nội đang thực hiện giãn cách  xã hội theo Chỉ thị 16, nhưng đến nay, tình hình cung ứng, tiêu thụ lương thực, thực phẩm vẫn đảm bảo ổn định. Hàng hoá tại chợ truyền thống, siêu thị,... dồi dào, không có tình trạng thiếu nguồn cung.

Tâm An

Hà Nội sáng nay: Đi chợ sớm, tranh thủ mua 1 lần dùng 3 ngày

Hà Nội sáng nay: Đi chợ sớm, tranh thủ mua 1 lần dùng 3 ngày

Ngày đầu Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tại các siêu thị, lượng người mua có tăng nhưng không chen lấn, trong khi các chợ truyền thống người mua rất đông đúc... hàng hết sớm.