Tính đến chiều 29/3 (theo giờ Việt Nam), gần 680.000 người ở 199 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã nhiễm virus corona chủng mới với ít nhất 31.767 trường hợp trong số này đã tử vong. Châu Âu vẫn là "tâm chấn" của đại dịch Covid-19 toàn cầu với tổng số ca thiệt mạng vì virus đã vượt quá mốc 20.000 người.
Tuy nhiên, thế giới cũng chứng kiến hơn 146.000 bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục sau điều trị.
Mỹ tăng gấp đôi số ca tử vong chỉ sau 2 ngày
Mỹ hiện vẫn là quốc gia có tổng số ca dương tính với virus corona chủng mới cao nhất thế giới, lên tới gần 124.000 người, dù chỉ ghi nhận thêm 202 ca nhiễm mới Covid-19 trong 24 giờ qua, giảm mạnh so với mức tăng hai ngày trước đó. Đáng nói, theo CNN, tổng số ca tử vong vì dịch ở Mỹ tính đến ngày 29/3 là 2.229 người, tăng gấp đôi so với cách đây 2 ngày.
Bang New York là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ. Tổng số ca tử vong vì virus corona chủng mới tại bang này chiếm tới 1/3 toàn quốc với hơn 52.000 người được xác nhận đã mắc bệnh trong bối cảnh hệ thống chăm sóc y tế địa phương đang quá tải.
Do diễn biến dịch phức tạp, Thống đốc New York Andrew Cuomo ngày 28/3 đã thông báo lùi thời điểm tổ chức các cuộc bỏ phiếu sơ bộ tại bang này từ ngày 28/4 như kế hoạch ban đầu sang ngày 23/6. 10 bang khác của Mỹ, bao gồm cả vùng lãnh thổ hải ngoại Puerto Rico cũng có quyết định tương tự New York, trong khi một số bang khác chuyển đổi hình thức bỏ phiếu qua thư tín.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) vừa phát đi khuyến cáo mới, yêu cầu mọi người ở các bang "điểm nóng" vì dịch như New York, New Jersey và Connecticut "tránh mọi hoạt động đi lại không cần thiết trong nội địa" trong 2 tuần tới để ngăn ngừa virus lây lan.
Italia cận kề đỉnh dịch, công bố gói cứu trợ mới chống Covid-19
Italia đang quốc gia có số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất toàn cầu, với ít nhất 10.023 trường hợp tính đến chiều 29/3. Tổng số ca dương tính với virus corona chủng mới tại đất nước Nam Âu này là gần 93.000 người, xếp thứ hai thế giới sau Mỹ.
Bất chấp các lời chỉ trích về việc chính phủ Italia đã chậm trễ trong việc phong tỏa đất nước để dập dịch, Thứ trưởng Y tế Pierpaolo Sileri tuyên bố Rome đã hành động thích hợp nhưng "không may mắn" khi có nhiều ổ dịch bùng phát tại vùng Lombardy, miền bắc đất nước. Ông Sileri cho rằng, Italia đang cận kề đỉnh dịch và trong 7 - 10 ngày tới sẽ chứng kiến việc giảm nhanh số ca nhiễm Covid-19.
Tại cuộc họp báo ngày 28/3, Thủ tướng Italia Giuseppe Conte đã công bố gói cứu trợ mới trị giá 4,7 tỷ Euro dành cho những người chịu ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19 tại nước này. Cùng ngày, ông Conte cũng hối thúc Liên minh châu Âu (EU) thông qua những đề xuất ngân sách mới nhằm khắc phục các hậu quả kinh tế do dịch bệnh gây ra với các nước thành viên. Lãnh đạo Italia cảnh báo, thất bại khi ứng phó với tình huống khẩn cấp do Covid-19 gây ra sẽ là một “sai lầm bi thảm” của EU.
Số ca tử vong vì Covid-19 ở Tây Ban Nha cao kỷ lục
CNN dẫn thống kê ngày 29/3 của Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết, nước này có thêm 838 người thiệt mạng vì virus corona chủng mới trong 24 giờ qua, một mức tăng kỷ lục trong ngày nâng tổng số trường hợp tử vong vì mầm bệnh nguy hiểm lên 6.528 người.
Tuy nhiên, nhà chức trách y tế Tây Ban Nha lạc quan rằng, nước này sắp bước vào giai đoạn ổn định của dịch khi tỉ lệ tử vong hiện giảm từ 17% xuống 14%, mức thấp nhất kể từ khi áp lệnh phong tỏa toàn quốc để dập dịch hôm 16/3. Đến hết ngày 28/3, Madrid ghi nhận 57.560 người dương tính với virus corona chủng mới khắp cả nước.
Thủ tướng Pedro Sanchez thông báo, Tây Ban Nha sẽ triển khai các biện pháp phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt hơn trong hai tuần tới, từ ngày 30/3 - 9/4 để buộc những người lao động làm việc trong các ngành không thiết yếu phải ở nhà để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Các tin nóng khác về đại dịch Covid-19:
- Sri Lanka ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì virus corona chủng mới là một bệnh nhân đã cấy ghép thận, đang bị bệnh tiểu đường và áp huyết cao. Chính phủ nước này đã cho mở rộng các lệnh giới nghiêm chống dịch Covid-19 ở thủ đô Colombo và các thành phố lớn khác gồm Gampaha, Kalutara, Puttalam và Jaffna.
- Hàn Quốc tuyên bố, từ ngày 1/4, mọi khách nhập cảnh vào nước này sẽ phải cách ly bắt buộc 14 ngày để ngăn chặn sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 có nguồn gốc "nhập ngoại".
- Chính phủ Australia vừa siết chặt các quy định phòng chống dịch Covid-19, kể cả cho đóng cửa mọi khu vui chơi, công viên, các trung tâm tập luyện thể thao ngoài trời và cấm tụ tập hơn 2 người ở nơi công cộng từ ngày 1/4.
- Phát ngôn Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, nước này về cơ bản đã ngăn chặn được sự lây lan của virus corona ở trong nước khi số ca nhiễm Covid-19 còn phải điều trị hiện đã giảm xuống dưới 3.000 người hôm 28/3. Hơn 90% bệnh nhân Covid-19 đã được chữa khỏi và xuất viện. Tuy nhiên, quan chức này lưu ý, đại lục có thể đang đối mặt với nguy cơ cao về xu hướng gia tăng "nhập khẩu" bệnh khi có tới 693 ca dương tính với Covid-19 có liên quan đến những người đi từ 42 quốc gia khác đến.
- Thụy Sĩ thông báo có thêm 22 ca tử vong vì Codvid-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số người thiệt mạng vì dịch ở nước này lên 257 người trong tổng số hơn 14.000 ca nhiễm khắp toàn quốc. Chính phủ nước này đã ra lệnh đóng cửa trường học và tất cả các điểm vui chơi, giải trí công cộng cũng như các hàng quán không cung cấp các dịch vụ, mặt hàng thiết yếu để dập dịch.
- Nhà chức trách Hà Lan vừa thu hồi hàng chục nghìn khẩu trang nhập khẩu từ Trung Quốc sau khi Bộ Y tế nước này phát hiện chúng không đảm bảo chất lượng. Theo kênh truyền hình NOS, một nửa trong lô hàng gần 1,3 triệu khẩu trang nhập khẩu từ Trung Quốc đã được chuyển tới các bệnh viện và cơ sở y tế trên khắp đất nước Hà Lan để phục vụ cuộc chiến chống Covid-19.
Tuấn Anh