Đình làng như một lời hẹn sum họp. Tuổi thơ và kỷ niệm, tình yêu và những đêm trăng …, tất cả thành máu thịt, thành một thứ văn hóa làng không thể nào thiếu được.

Có lẽ khắp nơi trên đất nước ta, làng nào cũng có một mái đình.

Mái đình là nét văn hóa làng truyền thống của người Việt. Ở đâu có làng là có mái đình. Làng trù phú thì xây đình to, kiên cố, chạm khắc tinh xảo. Còn làng nghèo thì đơn giản hơn, nhỏ hơn, song vẫn đặc trưng cho tâm hồn và cốt cách văn hóa của làng mình.

Nói đến đình là nói đến trái tim, vẻ thanh bình của một vùng quê, của mỗi vùng quê. Cũng là nói đến nơi hẹn hò của tình yêu đôi lứa. Tình yêu gắn với cây đa sân đình, với những đêm trăng sáng, những buổi hẹn hò. Gắn với những nét rêu phong, những mái ngói cổ tích mà “đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu” và những lời tỏ tình say đắm “Hỡi cô tát nước đầu đình/ Cho tôi tát với chung tình làm đôi. Để rồi  “quên áo trên cành hoa sen”…

Và cứ mỗi độ xuân về, đình làng là nơi tụ tập. Nam thanh nữ tú, già, trẻ, gái, trai nô nức đến sân đình mở hội. Ngôi đình là nơi diễn ra các nghi lễ phong tục tập quán, trò chơi dân gian như đấu vật, chọi gà, đánh đu, kéo co, thi thổi cơm…

Mái đình quê tôi có từ xa xưa, gắn với sự ra đời của làng. Có người cho rằng đình xuất hiện khi làng có người đỗ đạt cao là cụ Nguyễn Hiệu đậu tiến sỹ dưới thời Lê - Trịnh. Đình làng được ông và nhân dân đóng góp xây dựng. Cũng có người cho rằng chính vua Gia Long sau này đã cho xây đình làng để thờ những người đỗ đạt cao có tên trong bia đá Văn miếu Quốc Tử Giám như cụ Nguyễn Hiệu, Nguyễn Hoàn…

{keywords}
Ảnh minh họa: tienphong.vn

Tôi đã đi nhiều nơi, cả những nơi có đình làng nổi tiếng nhưng chưa thấy nhiều những mái đình to như đình làng quê tôi. Những cột gỗ hai người ôm và mái thì cao chứ không thấp như những đình làng vùng khác. Trong kháng chiến, đình biến thành bệnh viện dã chiến của quân khu 04.

Khi chúng tôi lớn lên đình làng không còn là nơi thờ cúng mà trở thành sân hợp tác xã. Chính nơi này bọn trẻ chúng tôi tụ họp trong những dịp làng có lễ hội, hay một sự kiện trọng đại của đất nước diễn ra.

Ngày ấy không có nhiều trò chơi mà chỉ tập trung đánh đáo, bọn con gái thì túm năm tụm ba chơi với những đồng tiền cổ bằng đồng. Trò chơi vui chứ không phải bài bạc sát phạt nhau nhưng làm mọi người say mê có thể quên cả ăn cả uống. Nam thanh nữ tú túm năm tụm ba cổ vũ. Tất nhiên họ còn có một nghĩa vụ khác “cao cả” hơn là trò chuyện gặp gỡ những người thân, bạn bè, người đi xa…

Bọn trẻ chúng tôi ngày ấy mặc dù bom đạn bời bời nhưng bao giờ cũng mong Tết đến.

Bây giờ nói đến chuyện đội mũ rơm, tránh pháo sáng, tiếng máy bay rít xé trời, đạn phòng không đỏ rực như pháo hoa, cứ như là nói chuyện cổ tích tận đẩu tận đâu. Nhưng ngày ấy- những năm chiến tranh chống Mỹ, Tết đồng nghĩa với yên bình, vì hai bên tạm thời  đình chiến, không có đạn bom, pháo sáng, không có tiếng rít xé trời của giàn máy bay phản lực.

Tôi còn nhớ như in cái Tết đầu tiên của đời bộ đội được về quê ăn Tết. Cánh con trai chúng tôi ngày đó hầu hết đều ra trận theo lệnh tổng động viên. Với tôi, cái Tết đó như là sự sự gặp gỡ hiếm hoi để mấy tháng sau vào Nam chiến đấu. Trong bộ quân phục rộng thùng thình tôi ra đình vui cùng mọi người và gặp gỡ bạn bè.

Tôi vẫn còn nhớ cái sắc hương của bông hải đường mà bạn tôi trao tặng: Cúi hôn đóa Hải đường xưa/ Non tơ như thể mới vừa non tơ/ Đâu là thực đâu là mơ/ Cồn cào nỗi nhớ, thẫn thờ niềm thương…Những câu thơ ấy tôi làm như một kỷ niệm đầu đời của người lính.

Nhưng đau nhất vẫn là ngôi đình bị phá. Nó không bị phá từ bom đạn mà từ chính những người có trách nhiệm của làng.

Như nhiều vùng quê khác của miền Trung, Đình, Nghè, Phủ thời đó bị coi như dấu tích của một thời phong kiến. Những dấu tích ấy cần xóa đi và phong trào xây dựng “nếp sống văn hóa, bài trừ hủ tục” được khởi xướng. Ngôi đình gắn với tuổi thơ chúng tôi, gắn với số phận của một thế hệ đã bị dỡ bỏ. Những cây cột to hai người ôm giờ được hạ xuống xẻ ra làm trường, làm trụ sở…

Bây giờ, đình làng chỉ còn trong kỷ niệm. Những chuyến đi xa, gặp những mái đình tôi cứ thẫn thờ như gặp lại một dấu tích xa xưa của thời trai trẻ. Đình làng như một lời hẹn sum họp ngày Tết. Tuổi thơ và kỷ niệm, tình yêu và những đêm trăng …, tất cả thành máu thịt, thành một thứ văn hóa làng không thể nào thiếu được. Câu nói của người xưa sao mà thấm thía: “Mất văn hóa là mất tất cả”. Và trong tim tôi khi nghĩ về quê mình lại cảm thấy bâng khuâng như câu thơ của Vũ Đình Liên khi ông thẫn thờ: “Hồn ở đâu bây giờ?”.

Cuối năm Mùi 2015

Nguyễn Đăng Tấn