Nếu chúng ta không thực sự nhìn lại cách sống của bản thân, tiếp tục thỏa hiệp với tiêu cực và bằng cách đó lấy đi cơ hội của người khác, thì XH sẽ tiếp tục còn những chuyện “chen lấn”.  

Ngay giữa tháng Tư, mùa hè đã chào sân thủ đô với trận nóng 38 độ. Và trên mạng internet cuối ngày Chủ nhật 19/4 còn nóng hơn vì chuyện hàng nghìn người trèo rào vào một công viên để chơi các trò chơi dưới nước miễn phí.  

Từ góc nhìn thực tế 

Chuyện chen lấn này trong mấy năm nay với người Việt Nam không còn lạ lẫm. Nếu như dùng công cụ Google tìm kiếm với cụm từ khoá “chen lấn, miễn phí, giảm giá” thì trong khoảng 0,38 giây có ngay khoảng 404.000 kết quả. Có thể điểm mặt các sự kiện gần đây như “chen lấn mua hàng hiệu Gucci giảm giá,” “Phát hãi: Chen lấn ăn miễn phí, mua giảm giá”, “Chen lấn uống bia miễn phí” “Tranh cướp áo mưa miễn phí”, v.v… Hầu hết đều có những yếu tố giảm giá, miễn phí.  

Chính điều này làm người ta khá dễ dàng đổ lỗi cho máu tham của con người, tham lợi nhỏ mà quên ngay cái tự trọng, thể diện. Nhiều ý kiến tập trung nhiều vào khía cạnh văn hóa, hay cư xử văn minh của cộng đồng hay thiếu sót trong giáo dục nhân cách của ngành giáo dục…  

Những góc nhìn đó đều có lý riêng. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận ở khía cạnh thực tế, cũng cần phải thừa nhận một điều, rằng các thành phố nói riêng và trên toàn đất nước nói chung, tình trạng thiếu chỗ vui chơi, không gian xanh cho cộng đồng ngày càng trầm trọng. Đơn cử Hà Nội, từ một thành phố được người Pháp quy hoạch cho 4 vạn dân với nhiều vườn hoa, vừa là chỗ thư giãn cho người dân, vừa với tư cách như những đảo phân tuyến giao thông, đã nhanh chóng phình to cả về dân số lẫn quy mô.  

Sau khi người Pháp rút đi, thành phố đã có những nỗ lực to lớn để xây dựng nên những điểm vui chơi, không gian xanh mới: ngoài vườn Bách Thảo, đã có thêm Công viên Thống Nhất, vườn thú Thủ Lệ hay như đường Thanh Niên là công sức của thanh niên thủ đô cải tạo từ một khu vực ô nhiễm, thành một trong những con đường đẹp của Hà Nội…  

Nhưng với những công trình có thể nói đếm trên đầu ngón tay, thì những nỗ lực đó không thấm vào đâu so với tốc độ tăng dân số cơ học. Về chất lượng, có thể nói những trò chơi cho trẻ em mặc dù có nhúc nhích tiến bộ lên về công nghệ, nhưng cũng chẳng ăn thua so với thời cách đây vài chục năm, vẫn những trò đu quay, tàu điện…   

Các khoảng không gian công cộng như sân của các câu lạc bộ thanh thiếu niên cũng đều đã được tận dụng hết để kinh doanh các trò chơi cho trẻ em. Ấy thế mà thiếu vẫn thiếu – cứ những ngày nghỉ lễ đi đến những điểm vui chơi công cộng đó, là đông nghẹt người.  

Sự ra đời của công viên nước Hồ Tây đã là điểm sáng vì đã đưa được vào cho Hà Nội những dịch vụ vui chơi khác hẳn, tiến bộ hẳn về chất. Từ đó đến nay, Hà Nội chưa có thêm được một dự án nào tương tự như vậy.  

{keywords}

Cảnh chen lấn, hỗn độn ở công viên nước Hồ Tây. Ảnh: Anh Tuấn/ Thanh Niên

Vòng luẩn quẩn 

Ngược dòng thời gian, tôi còn nhớ khoảng năm 1987, 1988, có lần ở Tràng Tiền người ta phát không sách của Nhà xuất bản Cầu Vồng (Liên Xô.) Những tưởng người Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung yêu quý sách vở (có người còn bảo ăn cắp sách không phải là ăn cắp cơ mà) nên chen lấn đến trầy xước để nhận bằng được những cuốn sách được in cực kỳ đẹp. Nhưng không thiếu những người xin rồi, quay vào xin tiếp và chỉ vài ngày sau, nhiều cuốn trong số đó xuất hiện ở… hàng sách cũ.  

Cũng khoảng năm 1990, có Hội chợ triển lãm ở Giảng Võ người ta cũng chen lấn ghê gớm chỉ để xin những cuốn catalog in bóng loáng đầy màu sắc của các công ty Nhật Bản. Chúng bị giằng xé ghê gớm đến mức các “ông Nhật” chỉ mất vài chục giây đến vài phút đã phát hết đống catalog, vừa ngán ngẩm, vừa ái ngại xòe tay ý là “Hết rồi” với một số người chậm chân có dáng vẻ bề ngoài hoàn toàn không “doanh nhân” tí nào. 

Việc chen lấn, đâu phải ở chuyện nhận được đồ miễn phí hay giảm giá, cách đây vài năm người ta đẩy đổ cổng trường chỉ để vào xin hồ sơ nhập học cho con. Hình ảnh các phụ huynh dẫm lên để tràn qua cổng trường, như một sự băn khoăn đến mức thành thách thức lớn đối với chúng ta trước cái mâu thuẫn giữa một bên là lòng hiếu học của dân tộc vốn vẫn được ca ngợi bấy lâu nay, với bên kia là sự hăng hái đến sục sôi để có bằng được lá đơn xin học.  

Chính vì thế mà sau vụ việc “công viên nước”, không thiếu những ý kiến cho rằng, bố mẹ bế con trèo rào vào để cho con vui chơi bằng được, thì một bên là lòng yêu con vô bờ bến đến mức “san bằng tất cả” và bên kia là sau này, chính đứa trẻ ấy sẽ tiếp tục san bằng những rào cản lớn hơn, thà giẫm đạp lên người khác còn hơn là bị thua thiệt.  

Đến đây, tôi muốn nhìn câu chuyện trong một bối cảnh thời gian “dài hơi” hơn. 

Từ khi mở cửa cải cách kinh tế đến nay gần 30 năm, song song với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, đem lại nhiều thành quả rõ rệt, thì chúng ta cũng chứng kiến những phương thức làm giàu phi tiêu chuẩn và thiếu vắng những khái niệm về danh dự, tự trọng của doanh nhân. Có những người làm giàu hân chính, nhưng lại cũng có “một bộ phận không nhỏ” những người làm giàu theo “kiểu khác”.   

Không chỉ doanh nghiệp, mà từng cá nhân, không ít người trong chúng ta không thích cách sống có trật tự, vì nếu sống theo trật tự của pháp luật, mỗi người phải bớt quyền lợi của mình ít nhiều. Chúng ta chọn cách sống với những quy định mù mờ một chút và khi cần, chấp nhận móc hầu bao trả “tiêu cực phí” để được việc riêng.  

Chúng ta kêu ca phàn nàn, nhưng gặp chuyện vẫn sẵn sàng dung túng cho tiêu cực. Cái vòng luẩn quẩn ấy vẫn cứ ngày ngày chờ đợi bất kỳ ai trong số chúng ta sa vào, người giữ trọng trách lẫn người dân… và xã hội cứ bị ghì lại. 

Nếu như trước những việc có thể trả được “tiêu cực phí,” để “mua thứ công bằng theo kiểu phải trả tiền”, và vượt trước trên những người khác sẽ không đạt được quyền lợi đó nếu không chịu thỏa hiệp với tiêu cực; thì với những trường hợp không cần phải trả tiền, chúng ta sẽ chọn phương án dùng sức mạnh để chen lấn. Khi ấy, đương nhiên lợi quyền sẽ vào tay người khỏe và nhanh nhẹn, còn cơ hội của người khác, sẽ giảm đi.  

Trên truyền thông đã và sẽ còn xuất hiện những lời kêu gọi người ta giảm bớt lòng tham, sự ham muốn đi một chút… Nhưng nếu chúng ta không thực sự nhìn lại cách sống của bản thân mình, chừng nào còn tiếp tục thỏa hiệp với tiêu cực và bằng cách đó lấy đi cơ hội của người khác, thì xã hội sẽ tiếp tục còn những chuyện “chen lấn” như vậy.  

Và do đó, trước mắt tạm thời “ai ơi xin đừng miễn phí,” để người Việt Nam bớt những cuộc chen lấn, tạo nên những hình ảnh xấu xí, khổ lắm ai ơi!

Phúc Lai