- Thời hội nhập, xuất hiện nhiều chiêu trò, thủ đoạn tinh vi trong giao thương quốc tế. Dù đã được cảnh báo, song, vẫn có nhiều doanh nghiệp Việt Nam “dính đòn” với những hợp đồng ảo, đối tác ma và mất trắng tiền vào những tài khoản lạ.

Nhắm mắt chuyển ngàn USD vào tài khoản lạ

Chỉ trong tháng đầu tiên của năm 2015, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã cảnh báo về 2 vụ việc lừa đảo liên tiếp xảy ra.

Mới đây nhất là trường hợp giao dịch của một công ty tại Đà Nẵng với đối tác ở Dubai.

Tin từ Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á và Nam Á, Bộ Công Thương, ngày 22/11/2014, công ty Việt Nam đã ký hợp đồng mua hàng nhựa đường với một công ty tại Dubai - UAE. Theo thoả thuận hợp đồng, ngày 10/12/2014, công ty đã chuyển 30% tiền cọc của hợp đồng với số tiền là 18.720 USD cho đối tác theo tài khoản ở Ngân hàng Emirates Islamic Bank.

Nhưng 3 ngày sau, ngày 13/12/2014, đối tác ở Dubai liên hệ skype với công ty Việt Nam mới cho hay, họ không hề nhận được khoản tiền nào vào tài khoản. Đồng thời, cũng trong một tuần liền, các thư điện tử của công ty này gửi tới DN ở Đà Nẵng đều không nhận được hồi âm nào.

{keywords}
Làm ăn với đối tác nước ngoài, một số DN Việt Nam đã bị lừa đảo mất tiền do không kiểm tra cẩn thận

Bấy giờ, công ty của Việt Nam mới tá hỏa nghi mình bị lừa bởi hacker.

Bởi, trước đó, ngày 5/12/2014, 7 ngày trước khi chuyển tiền cọc, công ty ở Việt Nam đã nhận được một email của đối tác, thực chất chỉ là email giả mạo với yêu cầu chuyển tiền vào một tài khoản khác. Trong khi đó, mọi giao dịch thực sự gửi đến từ công ty Dubai cho công ty Việt Nam hacker đều đã chặn.

Vì tin tưởng email giải mạo đó, công ty Việt Nam đã gửi số tiền trên vào tài khoản lạ mà không hề kiểm chứng lại qua điện thoại.

May mắn là sau đó, nhờ các cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại đây can thiệp nên Ngân hàng Emirates Bank đã khẩn cấp phong tỏa số tiền trên và đến ngày 31/12/2014 đã trợ giúp cho công ty Việt Nam thu hồi được 100% khoản tiền "chuyển nhầm" trên.

Tuy nhiên, đây chỉ là một trường hợp may mắn hi hữu đã lấy lại được tiền. Còn đa số các phi vụ lừa đảo trước đó, hầu hết doanh nghiệp Việt đều mất trắng, thậm chí là đổ vỡ luôn cả quan hệ làm ăn lâu dài.

Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi cho biết, năm 2014, đã có trường hợp một công ty ở Hà Nội xuất khẩu thảm cói cho một công ty ở Nam Phi, làm việc với nhau đã được 10 năm, nhưng vì bị hacker xâm nhập, giả mạo giao dịch thư điện tử mà mối quan hệ này suýt nữa phá sản.

Chuyện là, sau khi ký hợp đồng xuất khẩu thảm cói cho doanh nghiệp ở Nam Phi vào tháng 7/2014, hộp thư của công ty Việt Nam đã bị hacker khống chế. Kẻ lừa đảo này mạo danh công ty Việt Nam gửi thư cho đối tác Nam Phi với các đề nghị lạ, như thanh toán tiền qua tài khoản khác, hoặc thanh toán trước khi giao hàng... Thậm chí, kẻ giả mạo còn liên tục gây sức ép, doạ kiện công ty Nam Phi không tuân thủ hợp đồng.

Vụ việc chỉ vỡ lỡ cho đến khi công ty Nam Phi nghi ngờ tư cách của công ty Việt, đã tố giác lên Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi. Hậu quả là, mặc dù tình ngay lý gian, công ty Việt Nam vẫn bị mất uy tín, thương hiệu với đối tác. Phải có sự động viên thuyết phục của Đại sứ quán, công ty ở Nam Phi mới đồng ý nối lại quan hệ làm ăn với phía Việt Nam.

Dễ mắc mưu do chủ quan

Trong thời đại bùng nổ các giao dịch qua mạng Internet, nhiều doanh nghiệp Việt cả tin vào các giao dịch ở thế giới ảo mà quên mất cần phải kiểm chứng trên thực tế. Do đó, họ gửi tiền, ký hợp đồng với công ty “ma” ở nước ngoài là không ít. 

{keywords}

Đầu tháng 1/2015, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan chia sẻ, doanh nghiệp Việt Nam nhận được đơn hàng lớn của một công ty Hong Kong mua bia Heniken với số lượng lớn, 40-50 container/tháng. Để triển khai hợp đồng, phía doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng với một nhà cung cấp Hà Lan có tên là New Well Commodities và đã tin tưởng chuyển ngay 30% tiền cọc đặt hàng sau khi ký hợp đồng.

Vấn đề nằm ở chỗ, doanh nghiệp Việt tìm hiểu, trao đổi với đối tác này hoàn toàn qua Internet mà không hề liên lạc trực tiếp. Phía công ty Việt cũng rất tin vào trang web của đối tác trên ở địa chỉ www.newwellsco.com, giao diện bắt mắt, quảng cáo chuyên nghiệp.

Chỉ đến khi nhận được bộ chứng từ giao hàng không có tên tàu vận chuyển, số container cùng với những đòi hỏi quá đáng thêm tiền thanh toán, chậm giao hàng, công ty Việt Nam mới nhờ đến Thương vụ xác minh và được biết, mình đã bị lừa bởi đó là đối tác “ma”.

Dẫn chứng hàng chục vụ việc, Thương vụ Việt Nam tại Hongkong đánh giá, đó phần lớn là do lỗi chủ quan của phía Việt Nam. Không tìm hiểu kỹ về đối tác, không nắm được tính xác thực của địa chỉ, năng lực tài chính, lại không trực tiếp gặp mặt đối tác mà chỉ giao dịch qua thư điện tử, điện thoại, fax... là những lỗi thường gặp của DN Việt khi giao dịch với DN nước ngoài.

Trong khi đó, các công ty “ma” lừa đảo luôn có thủ đoạn rất tinh vi, như chào hàng với giá rất hấp dẫn, điều kiện thanh toán, giao hàng thuận lợi,... Phổ biến nhất là chúng thường tiến hành suôn sẻ một vài giao dịch giá trị nhỏ ban đầu để lấy lòng tin. Khi chín muồi, mới đề nghị DN Việt Nam ký hợp đồng giá trị lớn, lên tới 400.000-500.000 USD, đòi chuyển tiền đặt cọc lớn và sau khi nhận tiền là biến mất.

Các đối tượng này hay dùng email giả đề nghị chuyển tiền vào tài khoản cá nhân, hoặc tài khoản khác.

Khi phát hiện bị lừa, các công ty Hongkong nghiễm nhiên đổ lỗi là do email bị hacker và không chịu trách nhiệm. Nhiều trường hợp, họ ngang nhiên nhận tiền cọc nhưng lại chây ì, không giao hàng, còn DN Việt không có cách nào đòi lại được.

Các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt ở các thị trường rủi ro như ở châu Phi, Hà Lan, Hongkong,... đều chung một khuyến cáo: DN Việt nên nhờ các cơ quan đại diện ở nước ngoài của Việt Nam tìm hiểu, xác minh năng lực đối tác trước khi ký hợp đồng và chuyển tiền; đồng thời, cần tăng cường tính bảo mật, sử dụng các hình thức giao dịch tín dụng an toàn.

Phạm Huyền