Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về an toàn, an ninh thông tin giữa Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – C06 (Bộ Công an), Đại học Bách khoa Hà Nội và Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam – VNISA vừa diễn ra tại Hà Nội.
Thỏa thuận hợp tác 3 bên này được nhận định là một dấu mốc quan trọng giúp nâng cao nhận thức, đẩy mạnh trang bị kỹ năng cơ bản về an toàn thông tin, an ninh mạng cho cán bộ, nhân dân. Đồng thời, thỏa thuận cũng hướng tới góp phần thúc đẩy triển khai ‘Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030’ (Đề án 06) trong giai đoạn tới.
Theo thỏa thuận hợp tác mới được ký kết, C06, VNISA và Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ hợp tác xây dựng và chuẩn hóa học liệu cho các khóa đào tạo an toàn, an ninh thông tin nói chung, trước mắt tập trung vào 2 khóa ngắn hạn gồm khóa nâng cao nhận thức an toàn không gian số, và khóa đào tạo cơ bản về an toàn không gian số.
Ba đơn vị cũng hợp tác xây dựng các khung đánh giá năng lực, cấp chứng nhận cho học viên tham gia và đáp ứng các tiêu chí đánh giá của các khóa đào tạo; phối hợp triển khai các khóa đào tạo về an toàn, an ninh thông tin cho cộng đồng, trong đó đặc biệt hướng tới đối tượng là các cán bộ, công chức, viên chức tham gia triển khai Đề án 06 của Chính phủ.
Ngoài ra, các bên cũng thống nhất phương án sẽ triển khai đào tạo theo hình thực trực tuyến trên nền tảng giáo dục trực tuyến đại chúng mở (MOOC) daotao.ai do Trung tâm Công nghệ và giải pháp chuyển đổi số trong giáo dục, Trường CNTT-TT, Đại học Bách khoa Hà Nội phát triển.
Phát biểu tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng C06 mong rằng hợp tác giữa 3 đơn vị sẽ giúp nâng cao kiến thức cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân, hỗ trợ triển khai Đề án 06. Từ đó, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia an toàn, bảo mật, tránh thất thoát, lộ lọt bí mật thông tin cá nhân.
Đại diện C06 cũng nhận định, nền tảng MOOC với công nghệ hiện đại, hệ thống AI nhận diện gương mặt, hình thức đào tạo trực tuyến sẽ dễ tiếp cận, tiết kiệm thời gian, chi phí, địa điểm đào tạo, số lượng học viên tham gia lớn. Việc sử dụng nền tảng đào tạo trực tuyến daotao.ai của Đại học Bách Khoa sẽ phát huy được những lợi thế của công nghệ hiện đại và giúp đông đảo cán bộ, người dân có thể tiếp cận chương trình đào tạo này.
Theo Phó Giáo sư Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội, việc mở và khai thác kho dữ liệu định danh công dân phục vụ công tác quản lý nhà nước chỉ có thể hiệu quả khi có nhận thức, ý thức người dân về an toàn, an ninh thông tin.
“Xây dựng xã hội học tập, xây dựng các khóa học về an toàn thông tin cho cộng đồng là việc cần thiết”, Phó Giáo sư Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh.
Chia sẻ bên lề sự kiện, Phó Chủ tịch VNISA Ngô Tuấn Anh cho biết, tham gia đào tạo để phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của hiệp hội. Bên cạnh các khóa đào tạo an toàn thông tin chuyên sâu dành cho các chuyên gia, VNISA đã và đang tổ chức và phối hợp tổ chức các khóa học nâng cao nhận thức về an toàn thông tin, trang bị các kiến thức an toàn thông tin cơ bản cho cộng đồng.
Thực tế, trên cơ sở nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức và kỹ năng an toàn thông tin cho người dân, từ cuối tháng 11/2022, theo sự phát động của Bộ TT&TT, ‘Liên minh Tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng’, với 10 đơn vị thành viên gồm Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT, VNISA, Viettel, VNPT, MobiFone, CMC, Bkav, VNG, Cốc Cốc và Tiktok Việt Nam.
Cùng với đó, cách thức đào tạo, bồi dưỡng mới – qua nền tảng học trực tuyến mở đại trà cũng đã và đang được Bộ TT&TT chỉ đạo triển khai. Theo đơn vị triển khai OneTouch, nền tảng học trực tuyến mở đại trà có tiềm năng trở thành nền tảng số quốc gia, trong 160 khóa học đang được cung cấp trên nền tảng OneTouch, hiện có 15 khóa đào tạo về an toàn thông tin. Đặc biệt, hiện có 3 khóa dành cho đối tượng là người dân, giúp họ trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết khi tham gia môi trường số.