Thoát nghèo từ cây dược liệu

Ngồi trong căn nhà khang trang vừa được tu sửa cách đây không lâu, chị Sùng Thị Cúc – người dân tộc Mông ở xã Sà Dề Phìn (Sìn Hồ, Lai Châu) khoe, trong nhà còn có thêm xe máy, tivi, tủ lạnh… Những thứ này có được nhờ vườn cây dược liệu của gia đình.

Chị nhớ lại, cách đây chỉ vài năm gia đình mình từng là hộ nghèo nhất bản. Cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào mấy nương lúa, nương ngô. Năm trồng được một vụ nên chi tiêu sinh hoạt luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau. Vào mùa giáp hạt, gia đình chị thường xuyên phải nhờ vào nguồn gạo cứu đói.

Để cái nghèo không còn đeo bám, chị được vận động liên kết với HTX sản xuất cây dược liệu. Chính quyền địa phương hỗ trợ giống và phân bón, còn HTX hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch sao cho đạt chuẩn. 

Trên mảnh nương gần nhà, chị Cúc trồng được hơn 1.000m2 cây đương quy và atiso. Ngày cho thu hoạch, HTX Nông sản dược liệu cao nguyên Sìn Hồ đến tận đồi thu mua. Đương quy tươi có giá từ 25.000-100.000 đồng/kg tùy loại, atiso trung bình khoảng 50.000 đồng/cây.

duoc lieu lai chau.jpg
Người dân thoát nghèo nhờ trồng cây dược liệu liên kết 

Không chỉ tham gia sản xuất, hai mẹ con chị Cúc còn đi làm thuê cho HTX dược liệu trên địa bàn nên có khoản thu nhập rất ổn định. Cứ thế, gia đình chị thoát nghèo và giờ có cuộc sống no đủ, sung túc.

Ở nơi đây, gia đình chị Cúc chỉ là 1 trong 70 hộ dân tham gia liên kết sản xuất với HTX Nông sản Dược liệu cao nguyên Sìn Hồ.

Hiện, HTX Nông sản Dược liệu cao nguyên Sìn Hồ có 7 sản phẩm dược liệu đạt chứng nhận OCOP, được chế biến từ vỏ đỗ trọng và hoa, lá, củ cây atiso. Bên cạnh đó, HTX còn liên kết với các hộ dân tại địa phương trồng 10ha cây atiso theo hướng hữu cơ, không có chất bảo vệ thực vật. 

Anh Nguyễn Trần Văn - Giám đốc HTX này cho biết, HTX tổ chức thu mua, bao tiêu đầu ra cho cây dược liệu của bà con. 

Riêng atiso mỗi năm thu mua trên 300 tấn cho bà con trong chuỗi liên kết. Sau đó, nguyên liệu atiso được HTX tiến hành sơ chế, sấy khô, nấu cao, đảm bảo đúng quy trình kĩ thuật và giữ lại được dược tính cao và đưa ra thị trường tiêu thụ.

Theo ông Ma Khánh Toàn - Trưởng phòng NN-PTNT Sìn Hồ, những năm qua, UBND huyện đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ người dân phát triển cây dược liệu theo chuỗi liên kết, phát triển mô hình cộng đồng. Đồng thời, hỗ trợ các chủ thể có điều kiện phát triển chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm đặc sản, OCOP để nâng cao giá trị.

Toàn huyện Sìn Hồ hiện có hơn 600ha cây dược liệu các loại. Trong đó, cây dược liệu tại xã Sà Dề Phìn trở thành cây trồng chủ lực phát triển kinh tế, giúp người dân thoát nghèo.

sam lai chau.png
Trồng sâm Lai Châu mở ra hướng làm giàu cho bà con nông dân ở Sìn Hồ.

Mở cơ hội dưới tán rừng

Ngoài cây dược liệu như atiso, đương quy, tam thất,… vài năm trở lại đây HTX của anh Nguyễn Trần Văn còn phát triển cây sâm Lai Châu dưới tán rừng Sìn Hồ. Bởi anh nhận thấy, điều kiện tự nhiên và khí hậu ở Sìn Hồ rất phù hợp với cây sâm này.

Thời điểm bắt đầu, HTX tìm mua lại từng cây giống của người dân ở các thôn, bản làng. Nhiều năm gây trồng, đến nay HTX đã có hơn 1.000 cây bố mẹ từ 3-5 tuổi, hơn 10.000 cây 2 năm tuổi.

Theo anh Văn, đất trồng được HTX sử dụng là loại đất mùn trong tự nhiên. Hạt giống sâm được chọn lọc kỹ lưỡng, thu hoạch từ cây 4 năm tuổi trở lên để đảm bảo sức khoẻ của cây con khi trồng dưới tán rừng.

Lợi thế dưới tán rừng có các bóng che tự nhiên, thoát nước tốt nên cây sâm có thể tránh ngập úng dễ thối củ khi gặp mưa lớn. Cùng với đó, cây sâm được “ăn gió, tắm sương” ngoài tự nhiên nên bộ rễ phát triển khỏe mạnh, hàm lượng saponin cao.

HTX đang thử nghiệm một diện tích nhỏ việc trồng sâm sử dụng phân bón hữu cơ, anh tiết lộ. Trường hợp sâm trồng bằng phân bón hữu cơ khi thu hoạch các dược tính trong củ không thay đổi so với sâm tự nhiên, HTX sẽ nghiên cứu nhân rộng cho thành viên và các hộ liên kết trồng.

Sâm Lai Châu mặc dù thời gian để được thu hoạch sẽ dài hơn các loại cây dược liệu khác, nhưng đổi lại, tiềm năng và giá trị kinh tế mang lại rất lớn. Theo anh Văn, nếu mở rộng được diện tích, HTX có điều kiện lớn mạnh, đời sống của từng hộ dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn cũng sẽ thay đổi. Đặc biệt, với giá sâm Lai Châu trên thị trường hiện nay, người dân có thể làm giàu từ cây trồng này.

Văn Lợi, và nhóm PV, BTV