Giữa tháng 10, ông Đinh Sang Sử - Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Sơn Tây (Sơn Tây, Quảng Ngãi) cùng người lao động tất bật thu hoạch và xuất bán 1,3 tấn cá tầm với giá 200.000 đồng/kg, thu về 260 triệu đồng. Đây là vụ cá thứ 3 của HTX nuôi, còn đợt thu hoạch này chỉ chiếm một phần lượng cá trong ao.

Cách đây gần 10 năm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Tây thực hiện mô hình nuôi cá tầm tại xã Sơn Bua với chi phí đầu tư khoảng 1,53 tỷ đồng. Đây cũng là mô hình nuôi cá tầm đầu tiên ở huyện miền núi Sơn Tây lúc bấy giờ.

Vụ đầu tiên nuôi thí điểm 200 con trên diện tích 200m2. Sau 12 thả nuôi cá sinh trưởng tốt, ít bị bệnh, tỷ lệ hao hụt chỉ 10%. Trọng lượng cá bình quân đạt 2,5kg/con, tổng sản lượng được gần 1,3 tấn cho doanh thu 225 triệu đồng.

ca tam 1.jpg
Mô hình nuôi cá tầm của HTX cho lãi khủng tại xã Sơn Bua.

Vụ nuôi thứ 2 thí điểm nuôi 2.000 con trên diện tích ao 500m2, tỷ lệ sống 75%. Sau 26 tháng nuôi cá thu hoạch đạt 5 kg/con, với tổng sản lượng thu về 7,5 tấn. Cá được bán với giá 250.000 đồng/kg, doanh thu đạt gần 1,9 tỷ đồng. Trừ đi chi phí đầu tư, lợi nhuận thu về từ mô hình cá tầm thử nghiệm ước khoảng 530 triệu đồng.

Nói về mô hình nuôi cá tầm trên núi, anh Trần Quý – cán bộ khuyến nông huyện Sơn Tây, cho biết, môi trường lý tưởng để nuôi cá tầm là nước lạnh, sạch, oxy hoà tan cao. Nhiệt độ nước phù hợp cho sự tăng trưởng của cá từ 18-23 độ C. Thế nên, trước khi đưa con cá tầm lên vùng núi xã Sơn Bua, cán bộ khuyến nông đã đến các trang trại nuôi cá tầm ở Đà Lạt, Kon Tum để học hỏi kinh nghiệm.

Thu về kết quả tốt qua 2 vụ nuôi thí điểm, năm 2018, UBND huyện Sơn Tây giao cho HTX Nông nghiệp dịch vụ Sơn Tây tiếp tục kinh doanh mở rộng mô hình nuôi cá tầm trên núi. Bởi, mô hình thí điểm này cho thấy, con cá tầm thích hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu tại xã Sơn Bua.

Tiếp quản mô hình, HTX đã cải tạo, nâng cấp ao nuôi thành ao xi măng và mở rộng diện tích lên 1.800m2. HTX đã nuôi thả 3 vụ cá tầm, hiệu quả thu về rất khả quan.

Trong đó, vụ nuôi thứ nhất HTX thả nuôi 2.000 con cá tầm. Sau 16 tháng cá được thu hoạch với tỷ lệ cá sống đạt 75%. Sản lượng cá toàn vụ đạt 3,75 tấn, thu về 750 triệu đồng. Trừ hết các khoản chi phí, HTX lãi 230 triệu đồng.

Vụ nuôi thứ hai thả 3.500 con, thời gian nuôi 18 tháng, trọng lượng trung bình đạt 2,5 kg/con. HTX thu hoạch được khoảng 6,3 tấn cá và bán với giá 250.000 đồng/kg, doanh thu đạt gần 1,58 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 600 triệu đồng.

Ông Đinh Sang Sử cho biết, vụ thứ 3 HTX thả nuôi 4.000 con cá tầm, tỷ lệ sống lên tới 85%. Đây là tỷ lệ cá sống cao nhất kể từ khi HTX tiếp quản mô hình nuôi cá nước lạnh này.

Ở vụ này, thời gian nuôi gần 20 tháng nên trọng lượng cá đạt bình quân 3kg/con. Sản lượng ước khoảng 10 tấn. Hiện, cá tầm trong ao của HTX đến kỳ thu hoạch. Lượng cá này được bán cho doanh nghiệp chuyên thu mua với giá 200.000 đồng/kg. Nhẩm tính, doanh thu ước đạt trên 2 tỷ đồng.

Thực tế trên có thể nhận thấy mô hình nuôi cá tầm rất phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu tại xã Sơn Bua, đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra con đường làm giàu cho người dân nơi đây. Theo đó, nuôi cá tầm có thể nhân rộng ra một số xã khác có khí hậu và thời tiết tương đồng như Sơn Long, Sơn Màu của huyện Sơn Tây. 

Theo ông Sử, thu hoạch xong vụ cá này, HTX sẽ tiếp tục thả nuôi 5.000 con cá tầm, đồng thời nhân rộng diện tích nuôi cá tầm hướng tới liên kết sản xuất với các hộ dân ở huyện Sơn Tây. Từ đó, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, người dân cũng có hướng làm ăn mới.

Tâm An