Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này hướng đến phát triển nhanh, bền vững, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với xây dựng văn hóa, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường, xây dựng “Tây Ninh xanh”...

Theo quy hoạch, tỉnh Tây Ninh sẽ chú trọng bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm xây dựng “Tây Ninh xanh”, trong đó yếu tố xanh vừa là mục tiêu, vừa là phương tiện phát triển của tỉnh; để đến năm 2030, Tây Ninh trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống.

W-tayninh.png
Ảnh minh hoạ

Theo đó, có 5 nội dung thực hiện chương trình đột phá hướng tới phát triển bền vững “Tây Ninh xanh” trong giai đoạn 2021-2035:

Phát triển năng lượng tái tạo: Tây Ninh sẽ trở thành vùng trọng điểm sản xuất năng lượng tái tạo, cung cấp năng lượng sạch cho các ngành sản xuất dịch vụ, thực hiện mục tiêu phát triển xanh bền vững. Đồng thời, năng lượng tái tạo là ngành sẽ thu hút nhiều nhân lực chất lượng cao tới làm việc tại Tây Ninh.

Giảm khí thải và tạo nguồn thu từ quỹ carbon: Tây Ninh hướng tới giảm khí thải và định hướng phát triển bền vững phù hợp với mục tiêu chung giảm thiểu khí thải vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại hội nghị COP26. Định hướng này sẽ đồng thời giúp tỉnh thu hút thêm các nguồn hỗ trợ, nguồn thu từ hoạt động giảm khí thải. Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP, năm 2028, Việt Nam sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức, là cơ hội để Tây Ninh bán quỹ carbon cho các tỉnh lân cận, các đô thị lớn, hướng tới năm 2030 có thể xuất khẩu quỹ carbon.

Tây Ninh xanh để cải thiện vi khí hậu và thích ứng với biến đổi khí hậu: xây dựng các giải pháp giúp tỉnh Tây Ninh phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tây Ninh hiện là tỉnh nóng nhất Đông Nam bộ, cần có biện pháp cải thiện sự nóng lên như các giải pháp cải thiện vi khí hậu bằng cây xanh tán lớn, vừa tạo cảnh quan, vừa tạo quỹ carbon và môi trường sống tốt.

Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn: với kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp có thể tối ưu hoá nguyên vật liệu, giảm chi phí sản xuất, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Kinh tế tuần hoàn của Tây Ninh có thể tập trung vào các sản phẩm tiềm năng như chăn nuôi, khoai mì, mía để giảm giá thành và tạo thêm giá trị kinh tế cho chuỗi ngành hàng.

Nông nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao: Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, giúp gia tăng giá trị sản phẩm, hướng tới nhóm khách hàng trung lưu, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của các sản phẩm chủ lực và đặc sản địa phương đồng thời thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

PV