Năm 2023, các thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) phát huy tinh thần trách nhiệm, tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 32/CT-TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác truyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn cấp trên. 

W-bru-van-kieu-8-1.jpg
Huyện Quảng Ninh đã đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền pháp luật theo từng đối tượng và lứa tuổi khác nhau. 

Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, huyện đã tập trung đổi mới nội dung hình thức, đa dạng về phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp từng đối tượng thành phần, lứa tuổi. 

Theo đó, huyện tăng cường hoạt động phổ biến phương pháp giáo dục phát luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện, tuyền truyền viên cấp xã, hòa giải viên cơ sở... góp phần đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện đi vào hoạt động nề nếp, hiệu quả.

Hiện nay huyện đã xây dựng trên website của huyện mục về “Tuyên truyền phổ biến pháp luật - cuộc sống” với các nội dung tư vấn về pháp luật để người dân hiểu rõ và nắm bắt được các quy định mới của pháp luật; đồng thời xây dựng 1 trang website phục vụ cho các cuộc thi tìm hiểu pháp luật. 

Song song đó là các đơn vị, địa phương trong huyện xây dựng các mô hình tuyên truyền nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân. 

Như mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” tại xã Trường Xuân, tuyên truyền về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em nhằm cung cấp một số kiến thức về cách nhận diện bạo lực gia đình; kỹ năng phát hiện người bị bạo lực và quy trình hỗ trợ nạn nhân lên tiếng khi bị bạo lực gia đình…

Mô hình đã tiếp nhận kịp thời tin báo về các vụ việc bạo lực gia đình trên địa bàn để từ đó ngành chức năng địa phương nhanh chóng có biện pháp can thiệp đối với các hành vi bạo lực gia đình. Đồng thời, là chỗ ở tạm lánh và bảo vệ, hỗ trợ kịp thời, giúp đỡ nạn nhân bị bạo lực gia đình, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.

Ngoài thành lập các mô hình, câu lạc bộ, huyện còn phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tổ chức các hội thi nhằm tuyên truyền những kiến thức về chính sách pháp luật cũng như kỹ năng xử lý tình huống thông qua các thể loại như tiểu phẩm, kịch, hát, múa, các làn điệu dân ca…

Được biết, năm 2022, toàn huyện đã tổ chức được 380 lớp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, với 68.190 lượt người tham gia.

Tuyết Nhung và nhóm PV, BTV