Ngày 20/9, trình bày trước Tòa án Quốc tế về Luật  biển (ITLOS) về quan điểm của Việt Nam trong vụ việc xin ý kiến tư vấn của tòa về nghĩa vụ của các quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu, bà Lê Đức Hạnh, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước Quốc tế, Bộ Ngoại giao, khẳng định UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh toàn bộ các hoạt động trên biển, trong đó có bảo vệ môi trường biển.

Do đó, ITLOS có thẩm quyền cho ý kiến tư vấn về phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường biển.

W-biendong-9.png
Ảnh minh hoạ

Thời gian qua, biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng tăng, gây nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, kết cấu hạ tầng, ảnh hưởng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tác động xấu đến môi trường biển. Ngoài ra, việc xảy ra, một số sự cố môi trường do xả thải chất thải công nghiệp, sự cố tràn dầu… thường để lại hậu quả nặng nề làm gia tăng ô nhiễm đối với môi trường, hệ sinh thái, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế biển như du lịch, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân.

Các hệ sinh thái biển đang bị khai thác quá mức, thiếu tính bền vững dẫn đến tình trạng suy giảm đa dạng sinh học. Đến nay đã ghi nhận khoảng 100 loài sinh vật biển quý hiếm đưa vào Sách đỏ Việt Nam và Danh mục IUCN để yêu cầu phải có biện pháp bảo vệ (trong đó có 37 loài cá biển, sáu loài san hô, năm loài da gai, bốn loài tôm rồng, một loài sam, 21 loài ốc, sáu loài hai mảnh và ba loài mực…).

 Kết quả nghiên cứu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và một số tổ chức quốc tế khác cho thấy, có khoảng hơn 80% lượng cá trên các vùng biển ven bờ và ngoài khơi của Việt Nam đã bị khai thác, trong đó có đến 25% lượng cá bị khai thác quá mức hoặc khai thác cạn kiệt; sản lượng đánh bắt giảm đáng kể; nhiều loài sinh vật biển khác đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Tiến Dũng và nhóm PV, BTV