Độc giả Trần Thúy Hạnh, TP Hà Nội có thắc mắc: Tôi xem tin tức thấy báo chí gần đây nói đến rất nhiều về IUU và nỗ lực của Việt Nam về việc gỡ thẻ vàng. Thông tin tôi có thể tìm kiếm trên mạng, nhưng bản chất của vấn đề này ra sao? Không xuất khẩu hải sản vào EU chúng ta có các thị trường khác, vì sao tấm thẻ IUU lại “quyền lực” đến thế?

Thực tế, thông tin về IUU không thiếu trên mạng và các phương tiện truyền thông, nhưng vì sao Việt Nam đang nỗ lực gỡ thẻ vàng cho vấn đề này lại là câu chuyện rất thú vị; đặc biệt là những nỗ lực để vượt qua được đợt thanh tra lần thứ 5 tới đây của Hội đồng Liên minh châu Âu (EC). Trong đó, Việt Nam sẽ phải chấm dứt tình trạng ngư dân vi phạm chủ quyền vùng biển các nước, khai thác hải sản trái phép thậm chí là tại các khu vực chồng lấn.

Bài viết này xin chia sẻ 3 nhóm thông tin: 1-Các vấn đề liên quan đến IUU; 2-Những lưu ý khi khai thác hải sản khu vực biển chồng lấn; 3-Khai thác xa bờ kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo sao cho phù hợp với luật pháp quốc tế; nâng cao được giá trị kinh tế nhưng vẫn đảm bảo được quốc phòng an ninh trên tuyến biên giới biển.

Về IUU (đây là từ tiếng Anh, viết tắt từ 3 từ ghép: Illegal, unreported and unregulated fishing - có nghĩa là khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Về bản chất, khai thác bất hợp pháp được hiểu rất rộng và tùy thuộc quy định ở mỗi quốc gia, trong khi không khai báo và không theo quy định là những khái niệm cũng tương đối “nhạy cảm” ở nhiều thời điểm.

nuoi bien 10.jpg
Nâng công suất tàu cá để khai thác xa bờ, lộ trình giảm số lượng tàu cá để chuyển đổi từ hoạt động đánh bắt sang nuôi trồng đang diễn ra rất mạnh ở nhiều địa phương. 

Câu chuyện vi phạm IUU diễn ra thường xuyên trong hoạt động đánh bắt cá, nó luôn đi ngược với các biện pháp bảo tồn và quản lí hải sản ở khắp nơi trên thế giới. Lí do các quy định của IUU ra đời là vì trong vài chục năm qua, nguồn lợi hải sản đã bị khai thác tới mức cạn kiệt do nhiều lí do, trong đó các hành vi khai thác tận diệt (dùng thuốc nổ, dùng lưới vét bắt tất cả không phân biệt kích thước, dùng cách biện pháp khai thác gây tác hại nghiêm trọng cho môi trường biển, đe dọa tính bền vững của các đàn cá…).

Riêng với EC, Ủy ban này ban hành Quy định 1005/20081 (có hiệu lực từ ngày 1/10/2010) nhằm bảo vệ môi trường, phục hồi các đàn cá trên khắp các đại dương và nâng cao tính trách nhiệm của ngư dân cũng như người sử dụng hải sản có nguồn gốc rõ ràng. Theo đó, IUU được thiết lập thống nhất trên toàn châu Âu (EU) để ngăn chặn và loại bỏ việc nhập khẩu các sản phẩm thủy sản bị khai thác IUU vào thị trường EU. Trong khi đó, EU lại là 1 trong 3 thị trường xuất khẩu hải sản chủ lực của Việt Nam. Do đó, tuân thủ IUU và nỗ lực gỡ thẻ vàng là điều Việt Nam đang phải làm.

Liên quan đến vùng chồng lấn, đây cũng là nội dung thú vị và là một trong những lí do chính khiến nhiều nước bị thẻ vàng IUU như Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam có khoảng 1 triệu km2 biển trong đó biên giới biển tiếp giáp với nhiều nước khu vực (tính từ Bắc xuống Nam), gồm: Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Thái Lan, Campuchia. 3 khu vực thường xuyên diễn ra hoạt động khai thác chồng lấn là Vịnh Bắc Bộ, Vịnh Thái Lan và ngoài khơi 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Mặc dù Vịnh Bắc Bộ, việc phân định biên giới biển giữa Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn thành nhưng hoạt động khai thác của 2 phía vẫn có những “sai lệch” nhất định. Với Vịnh Thái Lan, việc phân chia vùng biển với các nước về cơ bản đã xong nhưng vẫn còn nhiều khu vực khai thác hải sản lại chưa được định đoạt khiến tàu các của các nước xâm phạm lãnh hải của nhau là thường xuyên, nên đây cũng là khu vực thường xuyên diễn ra các tranh chấp, xung đột về quyền lợi và những tranh cãi.

Trong khi đó, vấn đề nâng công suất tàu cá để khai thác xa bờ, lộ trình giảm số lượng tàu cá để chuyển đổi từ hoạt động đánh bắt sang nuôi trồng đang diễn ra rất mạnh ở nhiều địa phương. Song song với đánh bắt xa bờ là vai trò của ngư dân – những cột mốc chủ quyền trên biển- cũng là lí do Việt Nam rất cầu thị trong nỗ lực tuân thủ IUU. Chính vì vậy, tuyên truyền cho ngư dân, vận động ngư dân tham gia ký kết không vi phạm IUU chính là một trong những giải pháp để Việt Nam sớm xóa thẻ vàng trong tháng 5/ 2024 tới đây.

Thanh Hà và nhóm PV, BTV