Hệ thống thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất gồm kênh Hy Vọng, kênh A41 và mương Nhật Bản. Thế nhưng, tại kênh A41 và kênh Hy Vọng đều xảy ra tình trạng rác ứ đọng dày đặc, bốc mùi hôi thối sau mỗi trận mưa lớn. Việc rác kín đặc kênh không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm tắc nghẽn dòng chảy khi thoát nước sân bay.

Thực tế, sân bay Tân Sơn Nhất đã từng ngập nước, ảnh hưởng đến hoạt động bay trong những năm trước. Lúc mổ xẻ nguyên nhân, các đơn vị liên quan xác định hệ thống cống hộp từ sân bay đi ra phía đường Thăng Long, Cộng Hòa qua mương 41 và thoát ra kênh Tham Lương bằng hệ thống kênh Hy Vọng bị tắc nghẽn do nạn xả rác. 

Mới đây, Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất cảnh báo mùa hè rơi cũng là mùa mưa nên nguy cơ ngập sân bay có thể xảy ra. Ngoài vấn đề ngập thì mưa lớn sẽ làm tỷ lệ chậm chuyến có thể tăng cao, ảnh hưởng tới hành khách, nhà ga, gây quá tải trong một số thời điểm.

Theo thống kê, 3 tháng cao điểm hè, sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến khai thác 150.555 chuyến bay với lượng khách đi xấp xỉ 24 triệu, tăng 7,6% so với năm 2022.

Kênh Hy Vọng dài 1,8km xuyên qua khu dân cư phường 15, đảm nhận tiêu thoát cho toàn bộ diện tích phía Tây và Bắc sân bay Tân Sơn Nhất. Nước thoát xuống kênh Hy Vọng sẽ đổ về tuyến Tham Lương - Bến Cát. Tại khu vực hạ lưu kênh Hy Vọng đoạn giáp với đường Phan Huy Ích, phường 15, quận Tân Bình (TP.HCM) ngập kín rác. 
Rác thải chủ yếu là vật dụng sinh hoạt, xác động vật, các chai thủy tinh, thậm chí cả các loại vật liệu xây dựng... phủ kín mặt kênh.

Xen lẫn với túi nilon, chai nhựa, còn có cả những tấm nệm, thùng xốp

Rác khỏa lấp miệng thu nước của cống hộp kênh Hy Vọng (đoạn qua giao với đường Phan Huy Ịch) để thoát nước ra kênh Tham Lương
Bán hủ tiếu trên đường Phan Huy Ích, anh Hoàng cho biết phải dùng bạt để che chắn đoạn kênh ngập rác, ngăn mùi hôi thối bốc lên. Anh cho biết cuối tuần trước có nhóm bạn trẻ vớt sạch rác dưới kênh nhưng sau đó rác lại từ các nơi đổ về. "Nước kênh đen không chỉ bốc mùi hôi thối mà ruồi muỗi cũng rất nhiều, dễ phát sinh dịch bệnh", anh nói.
Được biết, dự án cải tạo kênh Hy Vọng đã được UBND TP.HCM thông qua từ năm 2013 với tổng kinh phí đầu tư 513,7 tỷ đồng bằng vốn ngân sách nhưng đến nay, đã 10 năm trôi qua nhưng dự án vẫn chưa thể triển khai.
Mới đây, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM (Sở Xây dựng) đã lập hồ sơ đầu tư dự án kênh Hy Vọng với tổng chi phí gần 2.000 tỷ đồng. Kênh được cải tạo từ đường Phạm Văn Bạch đến giáp kênh Tham Lương, dài hơn 1,1 km, trong đó phần lớn làm kênh hở hình chữ nhật. Dọc bờ, dự án làm đường hai bên rộng 6 m cùng vỉa hè; hệ thống thoát nước, chiếu sáng, lan can... Tuy nhiên, do TPHCM chưa cân đối được vốn nên dự án vẫn “án binh bất động”.
Giống như kênh Hy Vọng, ở phía Nam sân bay Tân Sơn Nhất, khoảng 50% bãi đỗ máy bay và toàn bộ diện tích thuộc nhà máy A41, một phần đất thuộc Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không - không quân) thoát nước ra kênh A41. Tuyến kênh này cũng đang bị "bức tử" bởi rác thải và nạn lấn chiếm hành lang kênh.
Đoạn kênh A41 đoạn giao với đường Giải Phóng cũng bị bồi lấp nặng nề, đủ loại rác thải như rác sinh hoạt, chất thải, phế phẩm, thùng xốp, chai nhựa, xà bần, cành cây…
Dự án cải tạo kênh A41 đã có chủ trương của HĐND TP.HCM triển khai nhưng còn vướng mắc giải phóng mặt bằng. 
Dự án này hiện do UBND quận Tân Bình làm chủ đầu tư. Địa phương đang tích cực làm các thủ tục và giải phóng mặt bằng để khởi công dự án. Theo ghi nhận, một số nhà dân đã nhận tiền đền bù và tháo dỡ nhà cửa bàn. Việc đầu tư cải tạo tuyến kênh này được đánh giá quan trọng do còn đảm nhận thoát nước khu vực nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, dự kiến khai thác năm 2024.