Cụ thể hóa Kết luận 65 của Bộ Chính trị, Quốc hội Khóa 14 đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030; Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình MTQG phát triển KT- XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: 2021-2025.

Lễ Nhảy lửa là nét sinh hoạt tinh thần hết sức phong phú và độc đáo của dân tộc Dao Đỏ.

Trong đó, dành riêng Dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch"; với mục tiêu: Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người. Đối tượng của dự án là 3.434 xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ với 19 nội dung.

Dự án sẽ ưu tiên đầu tư, huy động tổng hợp các nguồn lực hỗ trợ công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của vùng đồng bào các DTTS có tiềm năng phục vụ phát triển du lịch, có nguy cơ mai một, các DTTS rất ít người; hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái, nhằm nâng cao đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS…

Được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản số 677/HD-BVHTTDL về việc hướng dẫn triển khai thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, đây là Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Nội dung hướng dẫn thực hiện Dự án nhằm mục tiêu khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người.

Theo đó, cần thực hiện Dự án trên các nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất. Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng thời, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Dự án phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh. Ưu tiên lựa chọn các nội dung đầu tư có định mức cao hơn để tổ chức thực hiện đối với các đối tượng thụ hưởng; đảm bảo nguyên tắc không trùng lắp giữa các hoạt động, nội dung đầu tư của các Dự án đối với cùng một địa bàn, cùng một đối tượng thụ hưởng. Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ việc thực hiện Dự án ở các cấp, các ngành. Phòng chống, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quá trình thực hiện Dự án.

Thực tế phát triển trong thời gian qua đã chỉ ra rằng, để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS, ngành Văn hóa từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều nỗ lực, khai thác bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch. Tuy nhiên, để biến các giá trị văn hóa truyền thống thành tài sản và thực sự “ăn sâu, bám rễ” trong đời sống của đồng bào, thì chúng ta phải tiếp tục điều chỉnh, xây dựng được một chiến lược, lộ trình phát triển rõ ràng, bài bản.

Thời gian qua, việc thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam đến năm 2020", bước đầu cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên trên thực tế, việc bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS còn không ít những khó khăn, bất cập; Cùng với đó, điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, nên việc huy động nguồn lực vật chất của chính quyền địa phương vùng này và của chính bản thân đồng bào trong việc duy trì, bảo vệ những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể vẫn còn hạn chế. Một số đơn vị, địa phương, cơ sở còn coi nhẹ vị trí, vai trò của công tác văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, kinh phí đầu tư hạn hẹp…

Theo ông đại diện của Ủy ban Dân tộc, việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của một dân tộc, bản thân dân tộc đó phải có bản lĩnh, dân tộc đó cần nâng cao năng lực tự bảo vệ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình trong đó vai trò của lực lượng thanh niên vô cùng quan trọng. Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay cần có sự tham gia của cộng đồng người dân đặc biệt là đội ngũ đoàn viên, thanh niên người dân tộc thiểu số mang yếu tố quyết định, vì chính họ là chủ nhân của di sản hiện tại và tương lai.

Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp sức bằng các chính sách hỗ trợ, đầu tư cả trong thực thi, xây dựng môi trường bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa; đảm bảo kinh phí để đồng bào thực hiện, bởi việc bảo tồn để phát triển cần có sự đầu tư có tính căn cơ trong nghiên cứu.

Chính sách có rồi, cơ chế cũng đủ, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, Dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" có thể xem là sợi dây kết nối các giá trị văn hóa “ăn sâu, bám rễ” trong đời sống cộng đồng DTTS ở các vùng miền.

Ngọc Cương, Văn Bắc, Thục Anh, Hồ Nhuỵ, Kiều Oanh