Thời gian qua, công tác chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được cấp uỷ, chính quyền các cấp của tỉnh Quảng Bình quan tâm sâu sát.

Trong đó, hệ thống văn bản được ban hành đầy đủ là cơ sở pháp lý quan trọng giúp các địa phương thuận lợi hơn trong tổ chức thực hiện. Việc phối hợp triển khai giữa cơ quan chủ trì chương trình với các sở, ngành, địa phương ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.

Một số huyện chủ động đăng ký thêm xã đạt chuẩn nông thôn mới (Bố Trạch, Tuyên Hóa) và xã nông thôn mới nâng cao (TP Đồng Hới), góp phần hoàn thành các nhiệm vụ được giao. 

Nông thôn mới Quảng Bình .jpg
Người dân tích cực tham gia hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ảnh Hải Sâm.

Tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới năm 2023 là 18.965 tỷ đồng. Trong đó, UBND tỉnh Quảng Bình bố trí 16,4 tỷ đồng cho các xã đăng ký về đích nông thôn mới năm 2023 ứng trước nguồn vốn để triển khai thực hiện, bố trí 51,6 tỷ đồng cho 6 chương trình chuyên đề giai đoạn 2021 - 2025, trong đó năm 2023 là 4,7 tỷ đồng...

Ngoài 94 xã nông thôn mới, 9 xã nông thôn mới nâng cao, 50 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 92 vườn mẫu và 3 thôn, bản tại các xã đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì kết quả thực hiện các mục tiêu của Chương trình OCOP cũng đạt kết quả đáng ghi nhận. Toàn tỉnh có 186 sản phẩm OCOP được công nhận (có 28 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 158 sản phẩm đạt 3 sao).

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, ngoài những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Đó là số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu không đạt kế hoạch đề ra, việc chỉ đạo thực hiện xây dựng thôn (bản) đạt chuẩn nông thôn mới tại các xã đặc biệt khó khăn chưa có nhiều kết quả nổi bật, xây dựng nông thôn mới vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn giữa các xã...

Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các đơn vị, địa phương quyết tâm trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đồng thời triển khai các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Thường xuyên rà soát, đánh giá lại các tiêu chí, chỉ tiêu đối với những xã đạt nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nếu có sụt giảm tiêu chí thì tìm nguyên nhân và phương án khắc phục.

Đối với các xã đã về đích nông thôn mới thì nâng cao các tiêu chí, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể cần triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới...

Được biết, vừa qua UBND tỉnh Quảng Bình cũng tổ chức họp Hội đồng thẩm định xét, đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Theo đánh giá, các xã cơ bản hoàn thành các tiêu chí. Về xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, cả 9/9 xã đăng ký đáp ứng mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí nông thôn mới tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Hồ sơ các xã đăng ký đạt chuẩn nhìn chung đạt yêu cầu. Các xã đề nghị xét, công nhận xã đạt nông thôn mới nâng cao đều không có nợ đọng xây dựng cơ bản, tỷ lệ hài lòng của người dân trên địa bàn đều đáp ứng, tiêu chí an ninh, trật tự bảo đảm...

Nông thôn mới Quảng Bình.jpg
Xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Ảnh: Hải Sâm.

Riêng các xã đăng ký đạt chuẩn còn Chỉ tiêu 17.10 tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng chưa đạt, tuy nhiên ngày 1/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 211/QĐ-TTg điều chỉnh chỉ tiêu “Tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng” giao cho UBND tỉnh quy định để phù hợp với thực tế, nhu cầu cộng đồng.

Hội đồng thẩm định sau đó đã tiến hành bỏ phiếu. Kết quả, 6 xã gồm Hải Phú, huyện Bố Trạch; xã Quảng Tiến, Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch; xã Thạch Hóa, Sơn Hóa, huyện Tuyên Hoá; xã Tân Hóa, huyện Minh Hoá đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.

9 xã gồm Phong Thủy, Mai Thủy, Xuân Thủy, huyện Lệ Thuỷ; Đức Ninh, Quang Phú, TP. Đồng Hới; xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch; xã Quảng Hải, Quảng Tân, TX Ba Đồn; xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hoá đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Hải Sâm