Những thông tin chi tiết về kế hoạch hơp tác vẫn còn rất ít ỏi, trong khi đó các hành động gây bất ổn của TQ tại Biển Đông không hề giảm đi.
LTS: Phần 1 bài viết này đã chỉ ra thách thức lớn thứ nhất với dự án Con đường tơ lụa trên biển của TQ. Phần 2 tiếp tục chỉ ra thách thức về sự thiếu đồng bộ chính sách của nước này.>> Xem lại Kỳ 1: TQ hứa hẹn lợi ích 'khủng' nhưng toan tính khó lường
Con đường tơ lụa hay tư lợi trên biển Đông
Biển Đông: Đằng sau 'nước cờ' đăng ký di sản của TQ
Khi TQ tự 'hư cấu' về chủ quyền trên Biển Đông
Chính sách mâu thuẫnBên cạnh khả năng liên kết yếu, những mâu thuẫn trong chính sách đối ngoại của TQ cũng đẩy kế hoạch Con đường tơ lụa trên biển MSR vào khó khăn. Một mặt, TQ kêu gọi hòa bình và hợp tác cùng phát triển, nhưng mặt khác, TQ vẫn tiến hành các hành động leo thang căng thẳng bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối của các nước khác trên Biển Đông.
Tính đến nay, MSR chưa đạt được nhiều kết quả tại Biển Đông, khi TQ chỉ đồng quản lý dự án cảng Kuantan (Malaysia) trong ba điểm dừng chân tại Biển Đông là Việt Nam – Indonesia – Malysia. Tại Việt Nam, TQ vẫn chưa thể đầu tư vào các cảng trọng yếu ở ba miền. Còn dự án cảng biển trung chuyển quặng sắt tại Tanjung Sawuh (Indonesia) lại không nằm trên tuyến đi qua chính của MSR và cũng cách khá xa so với cảng Kuala Lumpur như TQ dự tính.
Trong khi đó, khả năng xây dựng cơ sở hạ tầng tại Đông Nam Á lại được TQ “chứng tỏ” trên một khía cạnh khác: cải tạo hạ tầng (CSHT) và xây dựng đảo nhân tạo. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, tính đến tháng 9/2015, TQ đã cải tạo hạ tầng được 3.000 hecta trên các hòn đảo nước này chiếm giữ bất hợp pháp. Trên các đảo nhân tạo này, hàng loạt CSHT quân sự bao gồm cả cảng nước sâu và sân bay đang được xây dựng để mở rộng khả năng tiếp cận của hải quân và không quân TQ trên toàn Biển Đông.
Siêu dự án “Một vành đai, một con đường” OBOR được tuyên bố là một kế hoạch hội nhập kinh tế liên châu lục, tác động tới 4,4 tỷ người, 64 quốc gia và chiếm 29% GDP toàn cầu. Mục tiêu chính, như Trung Quốc tuyên bố, là thúc đẩy hợp tác và phát triển bền vững vì hòa bình và ổn định dọc theo hai trục đường. Để thúc đẩy một tuyến đường an toàn và thuận lợi cho giao thương như OBOR (cũng như MSR nói riêng) đặt ra, OBOR cần thúc đẩy quan hệ ngoại giao và hợp tác để đảm bảo sự ủng hộ của các nước đối tác. Tuy nhiên, thay vì thúc đẩy tự do hàng hải và hợp tác kinh tế biển, chính sách Biển Đông của TQ không ngừng gây căng thẳng, hàm chứa nguy cơ xung đột.
Cảng Khâm Châu tại thành phố Khâm Châu (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) – một địa điểm nằm trên dự án MSR của TQ. Ảnh: Dfic.cn |
Bất chấp phản đối của các bên liên quan và từ chối giải quyết tranh chấp bằng luật pháp, TQ chưa thể thuyết phục ASEAN về mục tiêu hợp tác cùng phát triển. OBOR theo đó, được nhìn nhận dưới lăng kính địa chính trị, thay vì hợp tác kinh tế.
Tuyên bố của ASEAN sau Hội nghị cấp cao vào tháng 4/2015 đã thể hiện “quan ngại sâu sắc” với hành động cải tạo hạ tầng tại quần đảo Trường Sa. Đây là lần thứ hai trong hai năm liên tiếp ASEAN đưa tuyên bố quan ngại về vấn đề Biển Đông sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981.
Tầm quan trọng của ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, Indonesia và Malaysia trong việc xây dựng MSR là không thể phủ nhận. Quyết định của các quốc gia ASEAN hải đảo quan trọng như Singapore, Indonesia và Việt Nam sẽ mở đường hoặc đóng sập cửa MSR ngay từ tuyến đầu tiên của con đường. Thiếu một lộ trình thông suốt và an toàn qua Biển Đông thì tuyến đường từ Ấn Độ Dương tới Đại Tây Dương cũng khó có thể đảm đương nhiệm vụ thúc đẩy nền kinh tế TQ.
Các xu hướng khu vực cho thấy lựa chọn tham gia vào MSR và chấp nhận một cuộc chơi rủi ro với TQ, Việt Nam sẽ chịu thiệt hại rất lớn từ chính sách biển của TQ.
Năm 2015, Indonesia công bố tham vọng đầu tư 438 tỷ USD trong 5 năm tới để cải thiện và phát triển CSHT nhằm thúc đẩy kinh tế và biến nước này thành một trục hàng hải. Động thái có thể đánh giá như một nỗ lực tự thân phát triển hệ thống cảng biển của nước này.
Ảnh: Merics.org |
Chiến lược “tứ giác kim cương an ninh” do Nhật đưa ra đã được Mỹ, Ấn Độ và Australia ủng hộ bằng các cuộc tập trận quân sự. Không chỉ thắt chặt hơn về mặt an ninh, đàm phán TPP cũng vừa tuyên bố hoàn thành và đạt được thỏa thuận cuối cùng. Những quốc gia thiết kế nên cuộc chơi Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương sẽ trở thành động lực thúc đẩy kinh tế của 12 nước thành viên và giảm sự phụ thuộc của các nước Đông Nam Á vào TQ.
Mục tiêu của TQ thông qua OBOR và MSR là tham vọng đầy hứa hẹn nhưng lại không rõ ràng về mặt kế hoạch kinh tế lẫn chiến lược. Đến thời điểm này, ít có ai bên ngoài biết chính xác là các nước dọc theo con đường tơ lụa cả trên đất liền và trên biển sẽ liên kết với nhau ra sao. Những thông tin chi tiết về kế hoạch hơp tác vẫn còn rất ít ỏi, trong khi đó các hành động gây bất ổn tại Biển Đông vẫn không giảm đi.
Liệu OBOR có thực sự là một sáng kiến kinh tế sẽ thay đổi trật tự kinh tế toàn cầu, hay nhiệm vụ chính của nó là một công cụ tuyên truyền nhằm thực hiện các mục tiêu chiến lược khác về an ninh – chính trị? Đó tiếp tục là câu hỏi đọng lại sau khi các tính toán kinh tế thể hiện các thách thức mà MSR phải đương đầu.
Vũ Thành Công & Bùi Thạch Hồng Hưng
* Hai tác giả là nghiên cứu viên cộng tác (Research Associate) tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.
>> Xem thêm: Bài phỏng vấn GS.TS. Nguyễn Tấn Anh về việc TQ trình UNESCO xem xét và công nhận “Con đường tơ lụa trên biển” |