Ở các tỉnh thành của nước ta, khai thác thuỷ sản là sinh kế của hàng triệu ngư dân từ bao đời nay. Lượng hải sản khai thác lên tới 3-4 triệu tấn cũng giúp nước ta thu về hàng tỷ USD mỗi năm từ hoạt động xuất khẩu. 

Song, ngành thuỷ sản Việt đang đứng trước những khó khăn và thách thức khi nguồn lợi thuỷ sản ngày càng suy giảm, quy định chống khai thác IUU của Uỷ ban châu Âu (EC) ảnh hưởng tới xuất khẩu…

Nhận thức rõ được các vấn đề trên, nhiều tỉnh thành ven biển như Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh đã có những hành động cụ thể để tuyên truyền, hạn chế người dân khai thác tận diệt các loài thủy sản, trong đó hạn chế đánh bắt hải sản vào mùa sinh sản.

Đơn cử, Thái Bình ban hành đề án “Phát triển các phương tiện đánh bắt xa bờ, gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường biển” hướng tới nghề cá bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nghề, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

W-cang-ca-1.jpg

Ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình còn tiến hành thả bổ sung giống một số loài thủy sản có giá trị kinh tế, giá trị khoa học vào các vùng nước tự nhiên nhằm khôi phục nguồn lợi, tăng mật độ quần thể của các loài thủy sản đã bị khai thác cạn kiệt, lập lại cân bằng sinh thái, ổn định quần xã sinh vật thủy sinh trong các thủy vực.

Trong khi đó, Hải Phòng quyết liệt với chống khai thác IUU, “nói không” với đánh bắt hải sản theo kiểu tận diệt. Đầu năm nay, UBND TP Hải Phòng đã ban hành kế hoạch về việc đấu tranh ngăn chặn nghề cấm, ngư cụ cấm, chất nổ, xung điện, chất độc trong khai thác thuỷ sản trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi nghề, tổ chức lại đội tàu khai thác hải sản trên vùng biển phù hợp với khả năng khai thác cho phép của nguồn lợi và thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định về quản lý tàu thuyền cũng như các biện pháp bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, phối hợp xử lý tình trạng khai thác thuỷ sản nghề và ngư cụ cấm, khai thác IUU và chú trọng triển khai các giải pháp tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

Làm nghề đánh bắt hải sản trên biển đã nhiều năm nay, ông Tô Chính Bình ở xã Lập Lễ (Thủy Nguyên, Hải Phòng) chia sẻ, nhiều ngư dân như ông trước đây ra khơi thường chỉ quan tâm làm sao để đánh bắt được nhiều hải sản nhất. Song, thời gian gần được được cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động khai thác hải sản theo hướng bền vững nên ngư dân dần ý thức hơn trong việc bảo vệ nguồn lợi hải sản.

Theo ông, hải sản ngày càng suy kiệt, bảo vệ nguồn lợi hải sản không chỉ để phục vụ cho chính mình bây giờ mà còn để lại cho con cháu đời sau kế sinh nhai. Do đó, những ngư dân sinh sống bằng nghề chài lưới đã có quy ước hạn chế đánh hải sản vào mùa sinh sản, nếu đánh bắt được cá mẹ đang thời kỳ mang trứng đều thả trở lại biển.

Cơ quan chức năng ngành nông nghiệp Hải Phòng cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị nghiên cứu tiến hành điều tra đánh giá nguồn lợi hải sản, xác định các bãi đẻ, mùa vụ sinh sản làm căn cứ cho việc quản lý và tuyên truyền để người dân nắm rõ, hạn chế đánh bắt nhằm không ảnh hưởng đến nguồn lợi hải sản.

Ông Huỳnh Quang Huy - Chủ tịch Hội nghề cá Bình Thuận chia sẻ về cách bảo vệ nguồn lợi và khai thác hải sản theo hướng bền vững ở tỉnh Bình Thuận.

Theo ông, biển Bình Thuận từng có thời kỳ không còn cá, tôm. Sau đó, để phục hồi nguồn lợi biển, giải pháp đưa ra là làm cội chà (một loại ngư cụ trong nghề cá ven bờ dùng để thu hút, tụ tập đàn cá) thả xuống biển giúp tôm cá có nơi phát triển.

Mô hình đến nay vẫn hoạt động hiệu quả, cá tôm trên biển nhiều. Có đêm, ngư dân kiếm được 10 triệu đồng từ đánh bắt hải sản. Đặc biệt, từ năm 1976 đến nay, tôm bạc - loại có giá trị kinh tế cao - mới xuất hiện trở lại. Một đêm kéo được cả tạ loại tôm này, ông Huy cho hay. 

Khi đề cập đến chống khai thác IUU để gỡ cảnh báo thẻ vàng, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhiều lần yêu cầu các tỉnh thành ven biển tuyên truyền, vận động, kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động của tàu cá địa phương, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, để phát hiện từ sớm từ xa, ngăn chặn ngay từ trong bờ các tàu cá, ngư dân có ý định đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. 

Cùng với đó, tuyên truyền cho ngư dân về công tác bảo vệ bền vững nguồn lợi thủy sản, góp phần khắc phục thẻ vàng của EC cũng như tái tạo nguồn lợi hải sản trên biển, đưa ngành thủy sản phát triển bền vững.

Phạm Bình Minh, Nguyễn Hồng Hạnh