Hiện nay, có 03 tổ chức quốc tế quan trọng gắn với hoạt động phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam là: (1) FATF: Lực lượng đặc nhiệm tài chính về phòng chống rửa tiền; (2) APG: Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về phòng chống rửa tiền; và (3) Nhóm Egmont: Nhóm các đơn vị tình báo tài chính Egmont.

Theo Ngân hàng Nhà nước, với chức năng nhiệm vụ hiện nay, Cục Phòng chống rửa tiền được xác định là Tổ chức tình báo tài chính (FIU) của Việt Nam. Nhóm Egmont có hơn 160 thành viên là FIU của các quốc gia trên thế giới. Mục tiêu của Nhóm Egmont là cung cấp diễn đàn cho các FIU để tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và thông tin tình báo tài chính an toàn nhằm phòng chống rửa tiền, phòng chống tài trợ khủng bố, phòng chống tài trợ phổ biến vũ khí huỷ diệt.

Trước thềm Hội nghị toàn thể của FATF vào tháng 6/2023, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký cam kết cấp Chính phủ với FATF về việc thực hiện Kế hoạch hành động gồm 17 hành động do FATF đưa ra cho Việt Nam trong khoảng thời gian nhất định (hoàn thành trước tháng 5/2025).

Trong 17 hành động có 2  hành động đảm bảo tính độc lập của FIU và tăng cường chất lượng và số lượng các sản phẩm phân tích và chuyển giao thông tin tình báo tài chính.

Hành động số 9: “Việt Nam cần đảm bảo và thể hiện sự độc lập và tự chủ về kỹ thuật của Cục Phòng chống rửa tiền, bao gồm liên quan đến: chức năng phân tích và phổ biến của nó; phân bổ đầy đủ nguồn lực (cả nhân lực và tài chính), và theo đuổi các thỏa thuận và tham gia độc lập vào việc trao đổi thông tin dù cho đơn vị này nằm trong cơ cấu của Ngân hàng Nhà nước hoặc với tư cách là một cơ quan độc lập (Tháng 9/2024);

Hành động số 10: Cục Phòng chống rửa tiền cần nâng cao chất lượng và số lượng phân tích tình báo tài chính (cả hoạt động và chiến lược) và chuyển giao (chủ động hoặc theo yêu cầu) tới các Cơ quan thực thi pháp luật phù hợp với hồ sơ rủi ro của Việt Nam thông qua: tăng số lượng báo cáo giao dịch đáng ngờ (STR) được phân tích; tạo cơ chế phản hồi với các đối tượng báo cáo để cải thiện chất lượng STR, và tiếp cận các nguồn thông tin rộng nhất có thể và sử dụng các công cụ công nghệ và phân tích thích hợp (tháng 5/2025).

Việc hoàn thành chương trình hành động trong khung thời gian mà FATF đặt ra nhằm giải quyết những thiếu hụt trong cơ chế phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố là cấp bách.

Khi bị FATF liệt vào danh sách quốc gia có rủi ro cao về rửa tiền, FATF sẽ cảnh báo đến tất cả các tổ chức tài chính phải quan tâm “đặc biệt” đến quan hệ kinh doanh và giao dịch với cá nhân, tổ chức ở các quốc gia đó.

Quốc gia sẽ phải cam kết thực hiện một chương trình hành động nhằm giải quyết những thiếu hụt trong cơ chế phòng chống rửa tiền/tài trợ khủng bố/tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt dưới sự giám sát chặt chẽ của FATF. Trường hợp quốc gia không hoàn thành chương trình hành động này trong khung thời gian mà FATF đặt ra, FATF sẽ yêu cầu các nước  áp dụng các biện pháp trừng phạt “cứng rắn” đối với các quốc gia này nhằm bảo vệ hệ thống tài chính toàn cầu khỏi những rủi ro về rửa tiền/tài trợ khủng bố/tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt.

Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) là một cơ quan liên chính phủ được thành lập vào năm 1989 bởi Bộ trưởng các quốc gia thành viên. Chức năng của FATF là đưa ra các chuẩn mực và thúc đẩy việc thực thi có hiệu quả các biện pháp pháp lý, quản lý và hoạt động nhằm chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí và những mối đe dọa có liên quan khác đối với tính thống nhất của hệ thống tài chính quốc tế. Trong sự phối hợp với những đối tác quốc tế khác, FATF cũng nỗ lực nhằm xác định các tổn thương ở mức độ quốc gia với mục đích bảo vệ hệ thống tài chính quốc tế khỏi bị lạm dụng. 

Các Khuyến nghị của FATF đưa ra khuôn khổ các biện pháp toàn diện và thống nhất mà các quốc gia cần thực hiện nhằm chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, cũng như tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Các quốc gia có khung pháp lý, cơ chế hành chính, hoạt động khác nhau và hệ thống tài chính khác nhau, do đó không thể thực hiện tất cả các biện pháp giống nhau nhằm chống lại các mối đe dọa này. Vì thế, các Khuyến nghị của FATF thiết lập các chuẩn mực mà các quốc gia cần thực hiện thông qua các biện pháp phù hợp với tình hình cụ thể của quốc gia mình. 

Anh Duy và nhóm PV, BTV