Khánh Hòa có thế mạnh về nuôi biển, trong đó có các đối tượng nuôi biển trọng điểm của tỉnh như tôm hùm; các loài cá biển như cá chẽm, cá mú, cá bớp, cá chim vây vàng....; các loài như cua biển, hàu, tu hài, rong biển… đều mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định. 

W-ảnh minh hoạ khánh hoà (đã dùng).jpg
Để bảo vệ môi trường biển, Khánh Hoà sẽ xử lý dứt điểm tình trạng nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch. (Ảnh minh hoạ)

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh hiện có 3.834 hộ nuôi trồng thủy sản lồng, bè. Ngoài ra, hiện nay, tỉnh có 3 mô hình nuôi biển quy mô công nghiệp điển hình hiệu quả. 

Tuy nhiên, bên cạnh những vùng nuôi biển đã được tỉnh quy hoạch thì hiện, một số địa phương vẫn xảy ra tình trạng nuôi trồng thuỷ sản không theo quy hoạch. Điều này đã gây ảnh hưởng đến môi trường biển.

Để bảo vệ môi trường biển, một số địa phương hiện đã xây dựng lộ trình xử lý tình trạng nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch vùng nuôi. Cụ thể, thị xã Ninh Hòa sẽ xử lý dứt điểm vào cuối quý 2/2024; thành phố Nha Trang sẽ thực hiện cưỡng chế, khắc phục hậu quả đối với các lồng, bè nuôi trồng thủy sản vi phạm tại vùng nước Hòn Rớ, xã Phước Đồng trong tháng 4/2024; tại vùng nước tổ 14 Đường Đệ (trước khu vực lấn biển Hòn Một), phường Vĩnh Hòa và vùng nước trên địa bàn xã Vĩnh Lương sẽ thực hiện trong quý 3/2024; huyện Cam Lâm sẽ xử lý dứt điểm vào cuối quý 2/2024. 

Tuy nhiên, cũng có một số địa phương vẫn chưa có lộ trình thực hiện, như Cam Ranh, Vạn Ninh…

Để chấm dứt tình trạng trên, mới đây, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn chỉnh dự thảo kế hoạch triển khai quản lý, xử lý những bất cập, vi phạm trong hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển. 

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương phải xác định được khu vực nuôi cũ và khu vực nuôi mới, trong mỗi khu vực cũng phải xác định vùng được phép nuôi ngắn hạn và dài hạn; đồng thời nghiên cứu các quy định của pháp luật để áp dụng xử lý, xử phạt vi phạm; thống kê hiện trạng chi tiết, cụ thể đối với các hộ đang trong vùng nuôi trồng thủy sản dài hạn, ngắn hạn và ngoài khu vực này; đối tượng chịu ảnh hưởng khi di chuyển lồng, bè nuôi trồng thủy sản; nghiên cứu các giải pháp, mô hình quản lý hiệu quả để áp dụng cho các địa phương… 

Từ nay cho đến khi kế hoạch hoàn thiện và được thông qua, các ngành, địa phương cần tăng cường công tác quản lý, không cho phát sinh các trường hợp vi phạm mới; xử lý quyết liệt đối với các hộ nuôi trồng thủy sản trong khu vực neo đậu tránh, trú bão…. để bảo vệ môi trường biển, góp phần phát triển bền vững kinh tế biển của tỉnh.

PV