Tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế lần thứ 2, Tiến sĩ, bác sĩ Đào Văn Tú, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lâm sàng, Trưởng khoa điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết hiện nay tỷ lệ thử nghiệm ở Việt Nam còn rất thấp so với các nước trong khu vực.
15 năm công tác điều trị lâm sàng bệnh nhân ung thư, ông chia sẻ quá trình thử nghiệm lâm sàng gặp nhiều khó khăn, rào cản cả về con người lẫn cơ sở vật chất.
Thứ nhất, nhiều bệnh nhân ngại tham gia thử nghiệm lâm sàng, có trường hợp cho rằng “đằng nào cũng chết thì thôi tôi làm 'chuột bạch’ cho bác sĩ". Thậm chí, ngay cả trong giới bác sĩ cũng không muốn tham gia thử nghiệm lâm sàng vì họ ngại rủi ro.
Đây là quan điểm không đúng vì thử nghiệm lâm sàng là khâu quan trọng và được áp dụng trên người. Thực tế, nhiều bệnh nhân đã không đáp ứng với phương pháp điều trị cũ, khi thử nghiệm lâm sàng họ có cơ hội được điều trị thuốc mới, mang lại hiệu quả chữa bệnh.
Đặc biệt, lĩnh vực nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trong điều trị ung thư đang tăng rất mạnh tại các quốc gia, nhưng ở Việt Nam vẫn còn một số hạn chế. Nguyên nhân là tỷ lệ bệnh nhân tham gia thử nghiệm lâm sàng ở nước ta hiện chỉ chiếm 1-2%, trong khi tại nhiều nước, tỷ lệ này ít nhất là 10%.
Thứ hai là tình trạng thiếu nhân lực, cơ sở vật chất. Để thử nghiệm lâm sàng phát triển cần nhiều yếu tố như con người, cơ sở hạ tầng, vật chất, các dịch vụ hỗ trợ thử nghiệm lâm sàng, quy trình phê duyệt hội đồng đạo đức của Bộ Y tế, ghi nhận kiến thức của cả nhân viên y tế và bệnh nhân. Tuy nhiên, một số cơ sở bệnh viện chưa đủ cơ sở vật chất kỹ thuật có thể bị loại. Các đơn vị trong nước vẫn thiếu hụt nhân lực triển khai các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng.
Do đó, theo vị bác sĩ này, nước ta cần xây dựng mạng lưới thử nghiệm lâm sàng để các bệnh viện tham gia có thể hỗ trợ nhau. Các bác sĩ tham gia thử nghiệm lâm sàng có thể đào tạo ngắn ngày, tập huấn cho các điều dưỡng trở thành điều phối viên nghiên cứu. Về lâu dài, Việt Nam cần tham gia vào mạng lưới thử nghiệm lâm sàng quốc tế để có cơ hội phát triển nhiều hơn.
Theo Tiến sĩ Joydeep Sarkar, Trưởng bộ phận Dữ liệu đời thực và Ứng dụng công nghệ IQVIA - Châu Á Thái Bình Dương, trong lĩnh vực y dược nói chung và thử nghiệm thuốc nói riêng, Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào thu thập dữ liệu.
Trước đây, bệnh nhân phải đến các bệnh viện để tham giam thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, xu hướng hiện nay là các cơ sở nghiên cứu lâm sàng sử dụng công nghệ thu thập dữ liệu từ bệnh nhân trên hệ thống, không cần làm thủ công như trước. Việc thu thập dữ liệu qua công nghệ càng chi tiết càng hỗ trợ nghiên cứu nhiều hơn. Ông Joydeep cho rằng có thể dùng dữ liệu từ bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử để sử dụng.
Theo bà Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam đang chú trọng nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sẵn có để sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công, tiếp nhận chuyển giao công nghệ các thuốc biệt dược gốc của khu vực ASEAN. Cũng theo bà Hương, phát triển dược không chỉ dừng lại ở khâu cung cấp sản phẩm mà còn đẩy mạnh phát triển dược lâm sàng, tăng cường giám sát sử dụng thuốc an toàn hợp lý.
Chiến lược, mục tiêu phát triển dược trong giai đoạn tới là xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số, thiết lập nền tảng y tế số trong lĩnh vực dược phẩm, đồng bộ hệ thống theo dõi, giám sát về hoạt động cung ứng thuốc, tối ưu hóa sử dụng thuốc trên người bệnh, dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, quản lý chất lượng thuốc.