Báo chí lúc đó bị thu hút vào một ví dụ minh họa của đại biểu Bùi Sỹ Lợi khi ông cho biết nguyên Tổng giám đốc Bia Huda ở Huế hiện đang hưởng lương hưu đến 65 triệu đồng/tháng.

Có lẽ nhiều người đang tự hỏi, không biết trước khi Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, các chuyên gia, các đại biểu và đặc biệt nơi soạn thảo có lường trước được phản ứng của người lao động khi họ không còn được quyền nhận bảo hiểm xã hội một lần sau khi nghỉ việc. Khi thảo luận, có khi nào vấn đề này được nêu ra hay không? Ý kiến của mọi người như thế nào?

Trước hết trong tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội về dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi do Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền ký, việc hạn chế đến mức tối thiểu các trường hợp được hưởng bảo hiểm xã hội một lần được xem là một trong những mục tiêu của việc sửa luật. Đó là do mục tiêu của bảo hiểm xã hội là nhằm bảo đảm cuộc sống cho người lao động khi hết tuổi lao động. Vì thế, luật được sửa theo hướng chỉ giải quyết bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu, bị mắc bệnh hiểm nghèo hoặc ra nước ngoài để định cư hợp pháp.

Đến lượt Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, khi thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, cũng bày tỏ quan điểm nhất trí về việc sửa đổi điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhằm hạn chế việc giải quyết chế độ này.

Đáng tiếc là tờ trình của bộ cũng như thẩm tra của ủy ban đã không chú ý đầy đủ đến một thực tế: trong tổng số người được giải quyết chế độ hưu trí thì có khoảng 80% giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần, chỉ có khoảng 20% hưởng lương hưu hàng tháng (giai đoạn 2007-2012). Hàng năm, có khoảng gần 500.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần và con số này có xu hướng gia tăng qua từng năm. Ý muốn tốt đẹp là một chuyện nhưng không thể vì thế mà bỏ qua thực tế đang chỏi với ý muốn này.

Chính vì thế, trong báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã không có dòng nào về việc hạn chế các trường hợp được nhận bảo hiểm xã hội một lần. Lẽ ra sửa đổi một điều luật có tác động đến 80% trường hợp thì nội dung chính của báo cáo đánh giá tác động phải tập trung vào trường hợp này chứ không phải các chuyện “chế độ thai sản đối với lao động nam” hay “công thức tính lương hưu”.

Đến khi Quốc hội thảo luận tại hội trường về luật này, các ý kiến tập trung vào các vấn đề như cách tính lương hưu, cách giải quyết tình trạng trốn đóng hay chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội, mức tính lương tháng đóng bảo hiểm xã hội… Hầu như không có ý kiến nêu lên việc luật mới bỏ quy định người lao động không làm việc sau một năm được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Báo chí lúc đó bị thu hút vào một ví dụ minh họa của đại biểu Bùi Sỹ Lợi khi ông cho biết nguyên Tổng giám đốc Bia Huda ở Huế hiện đang hưởng lương hưu đến 65 triệu đồng/tháng, “cao hơn rất nhiều so với lương của Chủ tịch Quốc hội hiện nay”. Các báo tràn ngập tít “Nghỉ hưu vẫn nhận 65 triệu đồng mỗi tháng”… vì hình ảnh này rất cụ thể, đang diễn ra, lại dễ gây ra những cảm xúc khác nhau cho người đọc.

Đây là điều đáng tiếc. Bởi nếu vấn đề nhận bảo hiểm xã hội một lần được nêu ra, có thể đã có nhiều ý kiến phân tích cái được, cái chưa được của quy định này, nhìn từ nhiều góc cạnh, kể cả nhìn từ quyền lợi của người lao động. Lúc đó nỗi lo của nhiều người là lạm phát sẽ ăn mòn hết tiền bảo hiểm xã hội của công nhân khi hai mươi, ba mươi năm sau họ mới nhận được tiền, là nỗi lo của cử tri mà các đại biểu có nhiệm vụ phản ánh, có lẽ được giải tỏa cặn kẽ. Mong muốn của công nhân được nhận một khoản tiền sau chừng 10 năm vắt sức lao động để thực hiện một ước mơ gì đó như xây nhà, mở tiệm tạp hóa hay lo cho con cái lẽ ra phải được tính đến.

Các báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lẽ ra phải tính chi tiết, so sánh mức hưởng một lần với cách hưởng khi đã đến tuổi nghỉ hưu sẽ hơn kém nhau như thế nào, trong thực tế lương hưu được điều chỉnh để tính đến yếu tố trượt giá ra sao. Đó là những tài liệu cơ bản để các đại biểu sử dụng mà giải thích cho cử tri sau khi bấm nút thông qua luật.

Cho dù sau này Quốc hội có thông qua việc sửa đổi luật để tiếp tục áp dụng chế độ hưởng bảo hiểm xã hội một lần như cũ thì vấn đề vẫn còn nguyên đó: gánh nặng Nhà nước phải lo cho người lớn tuổi vẫn chưa được chia sẻ; niềm tin của công nhân vào các giải pháp dài hạn vẫn chưa được thuyết phục và quan trọng nhất là công nhân vẫn xem cuộc đời làm công là tạm bợ, ít ai xem nó là nghề nghiệp suốt đời vì điều kiện làm việc và chế độ lương bổng của công nhân đang ở mức rất thấp so với các nước khác.

Nguyễn Vạn Phú/ Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt