- Các tàu hộ tống và tàu khu trục của Nga ở Biển Caspian có thể bắn tên lửa hành trình vào các mục tiêu ở cách 900 dặm. Đây là một khả năng chưa từng được biết đến trước đó.
Kể từ khi xuất hiện các dấu hiệu đầu tiên về việc Nga đã cắm quân tại sân bay ở Latakia, nhiều lý thuyết nổi lên xung quanh chiến lược của Nga tại Syria, ý định của nước này và các vấn đề liên quan việc họ sẽ đi xa đến mức nào. Trong đó có nhiều điều mà các lý thuyết này đã nhận định sai.
Nhiều nhà phân tích cho rằng quân đội Nga yếu kém, chỉ ra những hạn chế của Nga về các lực lượng không quân và hải quân ở Syria. Nhưng Tư lệnh Garrett I. Campbell thuộc Hải quân Mỹ cảnh báo phương Tây chớ nên xem thường tiềm năng quân sự của Nga.
Ngược lại, Nga cho thấy khả năng và tiềm lực để triển khai lực lượng phi hạt nhân của mình nhằm đạt các mục tiêu chính trị nhất định.
Trên không
Nga đang cho xuất kích số lượng chuyến bay đáng kể, ước tính hiện tại khoảng 48-96 chuyến mỗi ngày.
New York Times trong một bài phân tích nhận định, hiện tại, máy bay chiến đấu của Nga đang tiến hành các cuộc không kích nhằm vào quân nổi dậy (chống lại chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad) trong một ngày điển hình nhiều gần tương đương với số cuộc không kích nhắm vào mục tiêu Nhà nước Hồi giáo (IS) mà liên minh do Mỹ đứng đầu đã thực hiện từng tháng trong năm nay (2015).
Ảnh: Moscowtimes |
Trong quá trình đó, họ đã đánh trúng một số lượng đáng kể các mục tiêu của phiến quân chống ông Assad. Có báo cáo cho biết các mục tiêu đáng kể mà Nga đạt được như cuộc không kích vào ngày 19/10 đã bắn hạ Basil Zamo - một thủ lĩnh phe nổi dậy (Tư lệnh Sư đoàn Duyên hải số 1) và từng là một chỉ huy trong quân đội chính phủ Syria. Một thủ lĩnh khác của Lữ đoàn Nour al-din al-Zinki cũng đã thiệt mạng trong một trận đánh khác.
Hầu như không một đồng minh NATO nào của Mỹ có thể sánh ngang với những gì Nga đã làm trên không cho đến nay. Đây là một bài học đáng tiếc của cả hai chiến dịch không kích của NATO ở Kosovo và Libya.
Trên biển
Hải quân Nga đã được gọi là “bị thui chột chưa thể sẵn sàng”. Tuy nhiên, Nga đang trang bị thêm những bộ phận mới cho các tàu cũ, đồng thời mua sắm các tàu mới.
Qua đây, hải quân Nga đã tiết lộ một khả năng quan trọng: các tàu hộ tống và tàu khu trục của ở Biển Caspian có thể bắn tên lửa hành trình vào các mục tiêu ở cách 900 dặm. Đây là một khả năng chưa từng được biết đến trước đó.
Hai biến thể tàu chiến cận bờ của Mỹ, tàu lớp Freedom(Tự do) và tàu lớp Independence (Độc lập), đều lớn hơn đáng kể, lần lượt ở mức tải trọng khoảng 2.900 tấn và 3.100 tấn -nhưng lại không sở hữu bất kỳ khả năng triển khai tên lửa hành trình hoặc sức mạnh tương tự nào.
Tàu khu trục tên lửa lớp Krivak Ladny |
Sự tiết lộ về năng lực trên của hải quân Nga đáng lưu ý, thậm chí còn khiến một nhà bình luận đánh giá rằng Hạm đội biển Caspian của Nga là một nhân tố thay đổi cuộc chơi.
Với các tàu nhỏ, không đắt tiền, công nghệ đơn giản và dễ dàng sản xuất, hải quân Nga đang trình diễn một khả năng độc đáo và càng làm nổi bật kết quả của những nỗ lực hiện đại hóa hải quân của Nga, nhiều trong số đó vẫn chưa được biết đến.
Các nhà quan sát cũng đã nghi ngờ về quan điểm cho rằng lực lượng hải quân Nga và đặc biệt là Hạm đội Biển Đen có thể duy trì các hoạt động kéo dài.
Nhưng trong ba năm qua, các tàu cung cấp vật tư cho các lực lượng của Assad thông qua Latakia và Tartus đã được duy trì liên tục, ổn định và cho thấy không có dấu hiệu suy giảm.
Với sự cam kết mạnh hơn từ phía các lực lượng trên bộ và trên không của Nga, phương Tây nên tin rằng Nga sẽ tăng cường năng lực hậu cần hải quân của mình để đáp ứng nhu cầu đang ngày càng thay đổi từ các đối tác liên minh ủng hộ Assad.
Tàu khu trục lớp Kashin Smetlivy |
Thực tế, Hạm đội Biển Đen đã chứng tỏ là tài sản vô giá đối với Nga và các đối tác Syria. Tàu chỉ huy của Hạm đội Biển Đen, chiếc tàu tuần dương tên lửa dẫn đường Moskva và một số tàu chiến bề mặt đi kèm, đã triển khai ở ngoài khơi của Syria để cung cấp sự phòng thủ trên không và tên lửa từ Địa Trung Hải.
Một số lời phê bình cho rằng đây là những tàu cũ với công nghệ lạc hậu. Nếu so với nhiều tàu của NATO thì điều này là đúng, nhưng chúng rất thích hợp với mục đích công việc được giao triển khai.
Tất cả các thông tin thu được cho thấy Nga đã nỗ lực xây dựng tiềm lực cho hải quân nước này trong vài năm qua.
Khi các nhà phân tích và lãnh đạo phương Tây lần lượt tìm cách hạ thấp uy tín về các tiềm lực quân sự của Nga, Moscow có thể sẽ tiếp tục có cơ hội để chứng minh rằng họ sai.
Hà Phúc