Thời gian gần đây, nhiều vụ sai phạm về đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất được phanh phui, xử lý; những bị can bị khởi tố hầu hết là người đứng đầu, lãnh đạo, người làm việc trong các cơ quan, tổ chức.
Ngày 30/6, CQĐT Bộ Công an (C03) khởi tố, bắt tạm giam hàng loạt nguyên lãnh đạo, lãnh đạo ở tỉnh Bình Dương để điều tra tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Trong đó có ông Trần Thanh Liêm, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; Nguyễn Thanh Trúc, nguyên Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, hiện là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.
6 bị can là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương bị Bộ Công an khởi tố, bắt giam |
Cũng trong tháng 6, Công an TP.HCM khởi tố 4 bị can liên quan đến vụ bán rẻ 32ha đất công cho Công ty Quốc Cường Gia Lai. Trong số các bị can có ông Tất Thành Cang (nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM).
Gần đây nhất, Công an Hà Nội đã khởi tố, tạm giam bà Nguyễn Thị Loan (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Y dược Vimedimex) và đồng phạm để điều tra tội Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản.
Điều tra ban đầu cho thấy, Công ty Thẩm định giá và đầu tư Hà Nội xác định khu đất 5ha ở xã Cổ Dương, Đông Anh có giá trị bán đấu giá khoảng 500 tỷ đồng.
Nhưng các bị can đã lập khống phiếu khảo sát để đưa vào hồ sơ thẩm định giá và hạ giá trị khu đất xuống còn 300 tỷ đồng. Một công ty do bà Loan nắm quyền chi phối trúng đấu giá khu đất với mức hơn 20 triệu đồng/m2.
Chỉ 1 tháng sau khi được bàn giao đất, bà Loan đã bán khu đất trên với giá từ 80 triệu đồng/m2, có thửa cao nhất lên tới 110 triệu đồng/m2.
Tham nhũng tinh vi và những kẽ hở trong đấu thầu đất
Trao đổi với VietNamNet, luật sư Đặng Hoài Vũ - Trưởng văn phòng Luật sư Đặng Hoài Vũ và đồng sự cho rằng, án tham nhũng về đất đai, thường xuất phát từ những cán bộ cấp cao, nắm quyền điều hành chi phối và có mối quan hệ rộng.
Luật sư Đặng Hoài Vũ |
Vì vậy, sai phạm xảy ra rất ít khi bị phát hiện, cho đến khi tội phạm đã hoàn thành, sau khi bị tố cáo, thanh tra, kiểm tra. Do đó, có thể nói dạng tội phạm này là một kiểu tham nhũng tinh vi.
Nhắc đến các kẽ hở trong đấu thầu đất, luật sư Đặng Hoài Vũ đưa ra quan điểm: Các quy định của pháp luật hiện hành cho thấy, Chủ tịch UBND cấp tỉnh là người phê duyệt giá đất khởi điểm do Sở Tài chính và Sở Tài nguyên & Môi trường xác định dựa trên bảng giá đất. Và hiện nay, bảng giá đất có sự chênh lệch rất lớn so với giá thị trường.
Việc phê duyệt giá đất khởi điểm được quyết định bởi một cá nhân nên có thể có sự không minh bạch về mức giá khởi điểm này.
Ngoài ra, các tổ chức cá nhân có thể lợi dụng quy định về các trường hợp không phải đấu giá quyền sử dụng đất, để nhận đất không thông qua đấu giá, sau đó, chuyển mục đích sử dụng đất.
Bên cạnh đó, quy định về trường hợp ngoại lệ trong việc đấu giá quyền sử dụng đất cũng có thể tạo ra lỗ hổng cho các cá nhân có chức vụ, quyền hạn không công khai việc đấu giá quyền sử dụng đất, mà vì mục đích vụ lợi, chỉ đưa một cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá.
Theo tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp: trong các vụ vi phạm về đấu thầu, hành vi thông thầu với nhà thầu có mối quan hệ “sân sau”, không dựa trên uy tín và năng lực thực sự của nhà thầu.
Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường |
Chính những cán bộ giữ “quyền cao” ở các cơ quan, tổ chức mắc sai phạm, và càng am hiểu về chính sách quản lý kinh tế- xã hội thì càng có kinh nghiệm đối phó, né tránh, tẩu tán tài sản trục lợi được.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, các vụ án sai phạm trong lĩnh vực đất đai hầu hết có sự tiếp tay của quan chức trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển nhượng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, hô biến “đất vàng” của Nhà nước thành tài sản tư với mức giá “ưu đãi”.
Một trong số nguyên nhân khiến quan chức tiếp tay cho ‘những kẻ rình mồi’ trong đấu thầu đất là sự suy thoái về mặt đạo đức, bị cám dỗ của cuộc sống “quật ngã”. Thứ nữa là năng lực, trình độ của cán bộ một số nơi còn bộc lộ nhiều yếu kém.
“Phải thừa nhận rằng đất đai là tài sản có giá trị lớn, là “miếng mồi béo bở” mà nhiều “con mồi” rình mò. Muốn thâu tóm được miếng mồi thì trước hết phải thâu tóm người quản lý, thâu tóm người có quyền lực quản lý “miếng mồi” đó.
Quyền lực nhà nước trao cho một số cá nhân, cán bộ đôi khi chính là con dao 2 lưỡi, đó vừa là quyền hạn nhưng nó cũng là trách nhiệm to lớn, nếu như không có đủ trí tuệ, bản lĩnh thì sẽ rất dễ bị quyền lực điều khiển, hậu quả khôn lường”, lời ông Cường.
Nhắc đến lỗ hổng pháp luật trong đấu thầu đất, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, pháp luật đất đai hiện hành chỉ quy định việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất mà chưa quy định chặt chẽ, bắt buộc phải đấu giá đối với đất do doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng khi chuyển mục đích sử dụng.
Việc quy định về đối tượng được giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá tại Khoản 2 Điều 118 của Luật Đất đai cũng còn khá rộng, chưa cụ thể.
Cộng với đó là những bất cập, thiếu minh bạch trong việc xác định giá đất không sát giá thị trường là kẽ hở cho tiêu cực, gây thất thoát ngân sách nhà nước khi chuyển quyền sử dụng đất từ doanh nghiệp nhà nước sang tư nhân.
Bên cạnh đó, thẩm định giá, khung giá đất đang là vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong việc sửa đổi Luật đất đai 2013.
Vẫn theo luật sư Đặng Văn Cường, công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất vẫn đang bộc lộ nhiều lúng túng, bất cập; một số bộ phận đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật cũng như sự bất cập, thiếu chặt chẽ trong công tác quản lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để thông đồng, móc ngoặc, dìm giá khi đấu giá quyền sử dụng đất gây thiệt hại cho Nhà nước, tập thể và cá nhân.
Vì vậy, để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp đối với các chủ thể trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, cần tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể khi tham gia hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, bảo đảm minh bạch và bình đẳng trước pháp luật.
Ngoài ra, cần có cơ chế bảo mật thông tin đấu giá từ các khâu thu tiền đặt trước, thu hồ sơ đấu giá, nhận phiếu trả giá, lập danh sách người đăng ký đấu giá để hạn chế hiện tượng thao túng của các đối tượng “cò đất”.
"Nếu để việc đối xử bất bình đẳng, vi phạm trong đấu thầu kéo dài, trở nên phổ biến sẽ dẫn đến không đảm bảo tính công bằng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động đầu tư.
Những sai phạm này sẽ làm méo mó chủ trương, chính sách, không phát huy hết được vai trò của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
Hủy quyết định trúng đấu giá dự án Helianthus ở Hà Nội, người mua có lao đao?
Trường hợp doanh nghiệp không tự nguyện trả lại tiền và bồi thường thiệt hại, những người đã nộp tiền cho doanh nghiệp có thể yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét giải quyết theo quy định.
T.Nhung