Tại phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế xã hội sáng 25/7, ĐB Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ: “Tôi đã có ba nhiệm kỳ liên tục tham gia Quốc hội, nhưng chưa có nhiệm kỳ nào mà ngay ở kỳ họp thứ nhất đã tiếp cận những báo cáo, những kế hoạch chứa đựng nhiều khó khăn, thách thức lớn đến vậy”.
XEM CLIP:
Khó khăn, thách thức đang bủa vây
Đại biểu tỉnh Quảng Trị nêu lại bối cảnh Quốc hội họp khi dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp. Nhưng trước đó, ảnh hưởng của dịch bệnh đã bào mòn cả sức khoẻ của DN và cuộc sống của nhân dân.
Ông dẫn tình hình của tỉnh nhà Quảng Trị, dù tình hình dịch bệnh không quá phức tạp song 6 tháng đầu năm số DN thành lập mới, tổng vốn đăng ký và số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đều giảm, và số DN ngừng hoạt động lại tăng. Đó cũng là bức tranh chung của nhiều tỉnh thành khác.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng |
Nhìn rộng ra cả nước, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị cho rằng, tăng trưởng quý 3 khả năng cao sẽ tiếp tục thấp hơn kế hoạch do chịu tác động tiêu cực từ đợt dịch bệnh mới, khiến triển vọng kinh tế Việt Nam cả năm 2021 trở nên kém lạc quan.
Theo ĐB Hà Sỹ Đồng, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế 2021 đến từ nguồn lực đầu tư công, dòng vốn đầu tư nước ngoài và hoạt động xuất nhập khẩu đều đang và sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
“Dịch bệnh đợt 4 đang diễn biến rất phức tạp, có thể sẽ ngăn cản Chính phủ đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 6% năm nay. Nhưng CPI bình quân cả năm có thể chỉ tăng từ 2.2 đến 2.5%, dưới xa mục tiêu Quốc hội đã đặt ra. Rủi ro cho dự báo lạm phát này chủ yếu nằm ở yếu tố “phí đẩy” đang rất khó lường”, ông Hà Sỹ Đồng cảnh báo.
Trong khi đó, dư địa của chính sách tài khóa để thực hiện các chương trình hỗ trợ đang hạn hẹp dần. Dù ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm vẫn tạm kết dư 81 nghìn tỉ đồng nhưng chủ yếu do chi đầu tư phát triển giải ngân quá chậm. Thu ngân sách nhà nước nhiều khả năng sẽ gặp khó khăn trong các tháng tiếp theo khi đợt dịch 4 diễn biến rất phức tạp.
“Khó khăn, thách thức đang bủa vây chúng ta. Dư địa của 2 chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ không còn nhiều, trong khi chính sách cơ cấu chắc chắn sẽ gặp nhiều trở ngại để triển khai theo tiến độ dự tính”, ĐB tỉnh Quảng Trị phân tích.
Tuy nhiên, ông Đồng cho rằng, Chính phủ vừa trình Quốc hội biện pháp đặc biệt chống Covid-19, cùng với đó là những kế hoạch dài hơi về tài chính công, nợ công, đầu tư công với những cân đối hướng tới mục tiêu tổng quát của cả 5 năm.
Tại kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm tới GDP bình quân vẫn được xác định khoảng 6,5 - 7% và tăng trưởng năm nay vẫn đang phấn đấu ở mức 6%.
Để đạt được mức tăng trưởng như vậy, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị đồng tình với Chính phủ thường xuyên rà soát, kịp thời có biện pháp hiệu quả tháo gỡ những vướng mắc về thể chế để huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.
Người dân vẫn đang chờ đợi vắc xin
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cũng quan tâm đến việc huy động nguồn lực mọi thành phần kinh tế cho phát triển đất nước được nêu trong kế hoạch trung hạn.
Đại biểu cũng lo lắng, từ kế hoạch tới cuộc sống là chặng đường gian nan, nếu không có giải pháp đột phá, luật PPP (đối tác công tư) không thể đi vào cuộc sống.
Vì vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách kiến nghị, phải đánh giá tính hợp lý của mục tiêu huy động. Nếu nhìn vào kế hoạch huy động thì mục tiêu huy động rất lớn, dự kiến tổng mức đầu tư vốn ngoài ngân sách là 14 triệu tỷ đồng. Bà dẫn chứng, riêng đề án cao tốc đường bộ 3.811 km, tổng nguồn lực ngoài ngân sách là 69.000 tỷ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai |
Theo bà Mai, trong bối cảnh Covid-19 thì phải đánh giá để đưa ra mục tiêu huy động sát thực tế. Giải pháp cho kế hoạch đầu tư công trung hạn phải mang tính thuyết phục hơn, bước đi mới, giải pháp mới; cần rà soát để kế hoạch thuyết phục hơn.
Đề cập tới việc thực hiện các gói hỗ trợ người dân trong Covid-19, bà Mai nhắc lại gói hỗ trợ người lao động trị giá 62 nghìn tỷ đồng Chính phủ ban hành năm ngoái đã thực hiện chưa kịp thời, khi mới giải ngân được 36% tổng mức dự kiến.
Với gói cứu trợ 26 nghìn tỷ đồng năm nay, Chính phủ xây dựng trên tinh thần thông thoáng nhưng đại biểu cũng lưu ý: “Đổi mới là trân trọng, nhưng nếu không thận trọng sẽ chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Khẩn trương là cần thiết nhưng phải đúng đối tượng, không phô trương, hình thức”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị cần cân nhắc cơ chế hậu kiểm với gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, nên cần cân nhắc tính hợp lý. Bởi, khi kê khai, người dân chỉ biết nộp hồ sơ, việc xác định tính đúng đắn là trách nhiệm của cơ quan công quyền khi thi hành công vụ.
“Chính sách hỗ trợ thể hiện tính nhân văn cao cả, thể hiện hình ảnh của Chính phủ đưa bàn tay, cùng người dân đi qua khó khăn, nên hành xử cũng phải nhân văn”, nữ đại biểu gửi gắm.
Bà cũng bày tỏ đồng tình với đề xuất của Chính phủ liên quan cơ chế đặc biệt trong phòng, chống Covid-19 nhưng cần khống chế thời hạn nhất định thực hiện chính sách này. Đồng thời, Chính phủ cũng cần xác định cụ thể trách nhiệm để không trục lợi, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.
Theo bà Mai, khâu tổ chức thực hiện phụ thuộc nhiều vào yếu tố con người, cần những con người có năng lực, trí tuệ vận hành bộ máy, chính sách.
“Khi chúng ta thảo luận ở đây về định hướng, kế hoạch thì ngoài kia người dân vẫn đang chờ đợi vắc xin, chờ đợi những ngày tháng khó khăn sẽ nhanh qua. Tôi tin là Chính phủ với quyết tâm, nỗ lực sẽ làm được”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách nói.
Cụ thể, nhóm chính sách hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm bệnh nghề nghiệp đã hoàn thành rà soát, hỗ trợ cho 375.000 đơn vị sử dụng lao động với kinh phí là 4.300 tỷ đồng, hỗ trợ cho 11 triệu người lao động được thụ hưởng.
Ngoài ra, đã hỗ trợ kịp thời tiền ăn cho tất cả những người điều trị F0 và cách ly F1. 52.081 người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương tại 5.922 doanh nghiệp đã được hưởng chính sách; 5.500 hộ sản xuất kinh doanh được nhận tiền hỗ trợ.
Qua một tuần triển khai, đã có 62 người sử dụng lao động đăng ký và giải ngân 50,4 tỷ đồng, hỗ trợ cho 13.577 lao động (gấp 10 lần gói 62.000 tỷ đồng).
Ngoài ra, các ngân hàng đã ký với Tổng công ty Hàng không 4.000 tỷ đồng và đến hôm nay ngân hàng đã tái cấp vốn 2.000 tỷ đồng, đã giải ngân được 600 tỷ đồng, sang tuần sau sẽ giải ngân phần còn lại.
Đặc biệt, tất cả lực lượng lao động bán vé số dạo từ Đà Nẵng đến Cà Mau với hàng trăm nghìn người đã được các địa phương xem xét, đã và đang triển khai hỗ trợ.
Trong 15 ngày, TP.HCM đã đến từng nhà, gặp gỡ từng đối tượng, trực tiếp hỗ trợ cho 284.465 người lao động tự do đạt kết quả 100% đối tượng được thụ hưởng với 426 tỷ đồng.
Thu Hằng - Trần Thường
Cả nước như 'cơ thể sống', không vì chỗ dịch bệnh mà cắt rời tất cả
Dẫn chứng về tình trạng một số địa phương "ngăn sông cấm chợ", ĐBQH cho rằng cả nước như "cơ thể sống", quan hệ tuần hoàn chặt chẽ nên không thể vì chỗ dịch bệnh mà cắt rời hết tất cả.