Giải quyết nạn "tín dụng đen"

Ông Lê Văn Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN - cho hay, thời gian qua, các tổ chức phát hành thẻ đã chủ động, sáng tạo nghiên cứu, phát hành, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thẻ nội địa gắn với thương hiệu thẻ của Việt Nam, trong đó thẻ nội địa là một điểm sáng.

Ông chỉ ra bốn lợi ích, tiềm năng của thẻ tín dụng nội địa, gắn với công năng lưỡng dụng vừa là công cụ thanh toán vừa đáp ứng nhu cầu tín dụng.

Thứ nhất, dẫn nhóm khách hàng phổ thông hoặc lần đầu tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Đó là nhờ thủ tục mở thẻ đơn giản, thời gian miễn lãi dài từ 45-55 ngày, được thanh toán trên mạng lưới thanh toán thẻ chip ghi nợ nội địa sẵn có của tổ chức phát hành thẻ. 

Thứ hai, góp phần hoàn thiện danh mục sản phầm, dịch vụ, mở rộng đối tượng khách hàng, phát triển hệ sinh thái thanh toán của các của các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử. 

{keywords}
Ông Lê Văn Tuyên nhấn mạnh vai trò quan trọng của thẻ tín dụng nội địa

Thứ ba, góp phần giảm chi phí sử dụng thẻ cho khách hàng như phí phát hành, phí thường niên. Đặc biệt, cung cấp thêm lựa chọn thanh toán cho thị trường..

Thứ tư, là một bước tiến nữa khẳng định thương hiệu thẻ thuần Việt Nam sử dụng công nghệ, hạ tầng thanh toán trong nước.

Báo cáo nghiên cứu Hành vi và thói quen sử dụng sản phẩm ngân hàng (Banking Product U&A Report) năm 2021 của công ty nghiên cứu thị trường Mibrand dựa trên khảo sát 600 người tiêu dùng tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy, tuy mức độ sử dụng sản phẩm thẻ tín dụng còn thấp với 46%, song đây lại là sản phẩm có tiềm năng phát triển tốt.

Bàn luận về hướng thanh toán thẻ tín dụng trên toàn cầu, ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng Giám đốc NAPAS trích dẫn, từ năm 2015-2016, xu hướng Open Banking đã phát triển, đặc biệt mạnh mẽ vào năm 2018. Ở những thị trường phát triển như Anh, Mỹ... các công ty Fintech tham gia rất mạnh mẽ vào đáp ứng nhu cầu phương tiện thanh toán mới và sẵn sàng cung cấp tín dụng cho những khách hàng dưới chuẩn (Under Bank).

Qua đây, ông Minh cũng bày tỏ kỳ vọng về hình thức phê duyệt tín dụng online, nhưng hiện nay các quy định vẫn còn khó khăn. 

Một xu hướng khác nổi lên hiện nay là thanh toán mua trước, trả sau (Buy Now Pay Later); Tokenization và nâng cao an toàn bảo mật trong thanh toán. Cuối cùng là eKYC và đồng nhất trải nghiệm của khách hàng.

Theo ông Minh, sự ra đời của Thẻ tín dụng nội địa, do NAPAS phối hợp các ngân hàng và công ty tài chính Việt Nam phát hành, là kênh giải ngân hiệu quả, giúp đẩy lùi tín dụng đen và đặc biệt hiệu quả đối với các công ty tài chính. VietCredit đã phát hành thẻ tín dụng NAPAS và sẽ mở rộng các tổ chức phát hành trong thời gian tới.

{keywords}
 Ông Nguyễn Quang Minh: Thẻ tín dụng nội địa do NAPAS vừa là phương tiện thanh toán, vừa là công cụ giải ngân tín dụng

Đã dùng thẻ khó quay lại tiền mặt

Ông Tô Đình Tơn - Phó Tổng giám đốc Agribank - nhận xét, bà con nông dân và tầng lớp yếu thế trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn rất khó tiếp cận vốn vay và sử dụng các dịch vụ tài chính vi mô.

Trăn trở trước thực trạng tín dụng đen và chia sẻ khó khăn với người dân, từ năm 2019, Agribank đã nghiên cứu và triển khai thành công đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường này, kết hợp phát hành thẻ với cấp hạn mức thấu chi qua thẻ không có bảo đảm bằng tài sản với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện.

Ngân hàng cũng đầu tư, trang bị miễn phí thiết bị POS và miễn phí chiết khấu để khuyến khích phát triển mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn trong cung ứng vật tư đầu vào và thu mua nông sản đầu ra của bà con.

"Việc triển khai đề án có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; từ đó, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng như các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại, góp phần lành mạnh hóa thị trường tài chính vi mô, hạn chế và đầy lùi nạn tín dụng đen trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn", ông Tơn bày tỏ.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN, cho rằng, nếu khách hàng đã sử dụng thanh toàn điện tử không dùng tiền mặt rồi thì sẽ chắc chắn không bao giờ quay trở lại dùng tiền mặt. Nhưng để họ sử dụng lần đầu thì chỉ có truyền thông mới làm được điều đó.

Theo ông, để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, phổ cập tài chính toàn diện và góp phần đẩy lùi tín dụng đen gắn với phát triển thẻ tín dụng nói chung và thẻ tín dụng nội địa nói riêng, có thể khẳng định vai trò của thẻ tín dụng nội địa.

Việt Nam là thị trường tiềm năng với gần 100 triệu dân. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và phổ cập chính toàn diện ở Việt Nam là hai trong số những nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đặc biệt quan tâm

Hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy người dân dần thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng tiền mặt và chuyển sang sử dụng thẻ tín dụng trong mua sắm, chi tiêu

Theo số liệu từ Vụ Thanh toán, NHNN, đến 31/12/2021, có 12/46 tổ chức phát hành thẻ  phát hành thẻ tín dụng nội địa (tăng 50% về số lượng so với năm 2019); số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đạt trên 475.000 thẻ (tăng 61,7% so với cuối năm 2019). Trong 5 năm (2017-2021), số lượng thẻ tín dụng nội địa đạt mức tăng trưởng bình quân 23,2%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,18%/năm.

Ngọc Cương

Cảnh giác với lời mời rút tiền mặt từ thẻ tín dụng

Cảnh giác với lời mời rút tiền mặt từ thẻ tín dụng

Giả danh nhân viên ngân hàng, kẻ gian lừa đảo người dùng thẻ tín dụng rút tiền nhằm mục đích trục lợi tài sản. Chiêu trò này không còn mới song vẫn nhiều người bị lợi dụng.