Chỗ này, chỗ kia, dưới danh nghĩa xã hội hóa, các khoản thu này được coi như sự đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh, là sự đóng góp của xã hội vào sự nghiệp giáo dục.

Rất nhiều khoản thu là vô lý, thậm chí có cảm giác vừa tức vừa buồn, ví dụ như tiền khai giảng 300 ngàn đồng/học sinh. Có trường thu 600 ngàn/tháng để học sinh nghỉ trưa có máy lạnh, em nào không đóng thì không được vào lớp nghỉ trưa này.

Phụ huynh trường THPT Đông Sơn 1 (Thanh Hóa) ngỡ ngàng khi trường thông báo thu các khoản đầu năm tổng cộng hơn 10 triệu đồng mỗi học sinh

Có thể liệt kê các khoản thu:

- Tiền bàn ghế,

- Tiền nước uống, điều hòa, mua vở đồng phục,

- Tiền điện, thậm chí có trường thu tiền xây trạm biến áp,

- Tiền điểm danh,

- Tiền máy tính,

- Tiền thủ tục nhập học…

Kết thúc mục liệt kê các khoản thu này, xin trích dẫn bài “Những khoản thu gây choáng đầu năm học: Tiền điểm danh, xây… trạm biến áp“ của báo Tuổi Trẻ: “Ngoài các khoản thu bắt buộc và cần thiết như học phí, bảo hiểm y tế, quỹ Đoàn, Đội, tiền phục vụ bán trú, tiền học 2 buổi/ngày, tiền học phẩm cho trẻ mầm non, tiền đồng phục, phù hiệu (với học sinh đầu cấp)… còn phải nộp rất nhiều khoản dưới hình thức tự nguyện: nước uống, vệ sinh, thiết bị khử trùng, phiếu bài tập in, sổ liên lạc điện tử, tiền mua bảng chống lóa, bảng tương tác, máy chiếu, điều hòa, rèm cửa… - một phụ huynh có 2 con học tiểu học và THCS tại Hà Nội cho biết”.

Tôi gọi đây là nỗi buồn kéo dài của nền giáo dục vì không tìm ra được từ ngữ nào tốt hơn để diễn đạt cảm xúc của mình. Tất nhiên xã hội cũng vẫn biết có khá nhiều trường công lập về cơ bản thực hiện tốt câu chuyện thu theo quy định, vẫn có khá nhiều vị hiệu trưởng trường công lập rất coi trọng sự nghiệp giáo dục và cố gắng đến mức đặt ra ít nhất các khoản tiền thu từ cha mẹ học sinh tại trường mình.

Đảng và Nhà nước luôn coi trọng sự nghiệp giáo dục, luôn xác định đây là một trong các nền tảng cơ bản để xã hội phát triển. 

Thế nhưng, các khoản tiền bố mẹ học sinh phải nộp dường như mỗi năm một phong phú hơn. Tiền khai giảng, tiền điểm danh bằng máy. Học sinh đến dự khai giảng lại phải đóng tiền. Trước điểm danh thủ công ngay tại lớp, giờ lắp máy nên cũng tiền. 

Lại còn tiền vở đồng phục nữa. Thú thật tôi chưa rõ lắm đây là tiền gì. Đồng phục học sinh thì rõ rồi, nhưng vở đồng phục là sao ta? Rất may, chuyện cô giúp việc nhà tôi có thể giúp làm rõ câu chuyện này hơn chăng.

Vài năm nay, để tiết kiệm, cứ đến hè là cô giúp việc lại nhận một số vở chưa dùng từ cháu ngoại tôi, mang về quê cho cháu nội mình sử dụng vào đầu năm học. Nhưng năm nay, nhà trường nơi cháu cô theo học thông báo học sinh phải mua vở in logo của trường, với giá cao hơn so với bên ngoài. Phụ huynh có ý kiến thì nhà trường nói mỗi cháu phải mua 20 cuốn vở đồng phục đó, nếu cần dùng nhiều hơn thì được mua ở ngoài. Còn gì có thể nói ở đây được nữa!

Tìm hiểu kỹ hơn mới biết hóa ra mình quá tụt hậu về từ ngữ tiếng Việt. Báo Dân Trí có bài “Đồng phục cả bìa bọc sách: Đẹp thì có đẹp…” với đoạn mở đầu như sau: “Không phải phổ biến nhưng tại nhiều trường, không chỉ quần áo, cặp sách mà đến bao bìa bọc sách, loại mực, bút tẩy… cũng đồng phục. Đồng phục có thể lợi cho giáo viên nhưng gây khó dễ cho phụ huynh và đặc biệt, có thể triệt tiêu cá tính, sự sáng tạo của học trò“.

Cái hình ảnh nhà trường công lập đẹp đẽ, tự hào trong tôi bỗng bay đi đâu hết cả, chỉ còn lại là tiền, tiền và mỗi năm lại có khoản thu mang tên mới, lạ hoắc. Xã hội đang thay đổi, nhiều thứ thay đổi theo, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường. Người ta không ngại kinh doanh cả ở trường công lập - cơ sở do nhà nước lập ra, chi tiền từ ngân sách nhà nước với một đội ngũ được gọi là viên chức nhà nước!

Câu hỏi đặt ra là chả nhẽ không thể làm gì, chả nhẽ bất lực với các khoản thu vô lý này à? Cả một hệ thống các cơ quan, đoàn thể như vậy mà bất lực sao?

Trước hết là trách nhiệm của Bộ GDĐT, của Bộ trưởng Bộ này. Bộ GDĐT sẽ cho biết đã có văn bản hướng dẫn đầy đủ, như công văn số 2153 của Bộ về các khoản thu trong lĩnh vực GDĐT năm học 2022-2023, nghị định số 81 của Chính phủ ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí…

Ra văn bản là tốt, nhưng chưa đủ mà còn cần hướng dẫn thực hiện và đặc biệt là thanh tra việc thực hiện. Mỗi năm, Bộ cứ làm độ vài chục cuộc thanh tra tại các trường và đưa ra những kết luận về trách nhiệm của những cá nhân có liên quan. Chắc sau đó sẽ có tác dụng đáng kể. Bộ trưởng GDĐT không làm tốt việc này thì đương nhiên liên đới chịu trách nhiệm.

Kế đến là trách nhiệm của các tỉnh, thành phố. Nếu so sánh thì trách nhiệm của các tỉnh lớn hơn nhiều so với Bộ GDĐT, bởi tất cả các trường công lập từ mầm non đến THPT trong tỉnh đều thuộc phạm vi quản lý trực tiếp và toàn diện của UBND tỉnh. Mà nói đến UBND tỉnh thì trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu là Chủ tịch UBND tỉnh, sau đó là Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách giáo dục, Giám đốc Sở GDĐT và Trưởng Phòng GDĐT cấp huyện. Rồi cuối cùng mới đến trách nhiệm của các vị hiệu trưởng có liên quan.

Báo chí nêu các khoản thu vô lý như vậy nhưng hầu như không thấy UBND tỉnh nào lên tiếng. Chẳng bù cho thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia, nhìn khung cảnh tại địa phương nơi 4 thí sinh vào chung kết, rồi sự hiện diện của lãnh đạo Sở GDĐT, thậm chí lãnh đạo UBND tỉnh mà buồn cho câu chuyện trách nhiệm của địa phương nơi bị phản ánh có nhiều khoản thu vô lý.

Như vậy, rất cần rõ ràng trong đánh giá kết quả công tác hàng năm của các vị lãnh đạo, quản lý vừa nêu. Trên thực tế thì việc truy trách nhiệm kiểu này hầu như rất mờ, khiến cho các vị hiệu trưởng trường công lập vẫn không ngần ngại với các khoản thu từ phía cha mẹ học sinh.

Mặt khác, cũng cần đặt thành quy định và thực hiện nghiêm túc việc công khai các khoản thu đầu năm học. Người dân, các cấp quản lý thấy ngay các khoản thu và nếu cần, có thể có những biện pháp xử lý được ngay, không cần phải đợi đến khi báo chí lên tiếng mới vào cuộc.

Đinh Duy Hòa