Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời cử tri TP. Hải Phòng như sau:

Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc được quy định tại Điều 89 của Luật BHXH, Điều 17 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ và đã được hướng dẫn cụ thể tại Điều 30 của Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Theo quy định tại các văn bản nêu trên, từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

{keywords}
 

Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH thì các khoản bổ sung khác để tính vào tiền lương tháng đóng BHXH là các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 30 của Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH cũng quy định cụ thể các khoản chế độ và phúc lợi khác không tính vào tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc.

Như vậy, Luật BHXH, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP và Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH đã quy định về khoản bổ sung khác tính đóng BHXH bắt buộc, những khoản không tính vào tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc.

Hiện nay, theo quy định của Bộ luật Lao động thì việc xây dựng thang lương, bảng lương là trách nhiệm của doanh nghiệp, không có một danh mục các khoản bổ sung khác áp dụng chung cho các doanh nghiệp. Do vậy, không thể quy định cụ thể tên các khoản bổ sung khác phải tính đóng BHXH bắt buộc như kiến nghị của cử tri.

(Theo Báo Chính phủ)