Tại sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP. Đà Nẵng - SURF 2023 sáng 29/9, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP, cho biết, đây là sự kiện được tổ chức hàng năm, nơi gặp gỡ giao lưu của cộng đồng khởi nghiệp trên địa bàn thành phố và kết nối với các nhà đầu tư, các đối tác trong và ngoài nước.

Sự kiện nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, với sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của đông đảo cộng đồng khởi nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học, nhà quản lý và các đối tác trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố.

Theo ông Cường, những năm qua, Đà Nẵng đã không ngừng nỗ lực để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Ông Trần Chí Cường: Có doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bứt phá, gọi vốn thành công hàng triệu USD.

Cụ thể, thành phố đã thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đồng thời, xây dựng các cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như: hỗ trợ trực tiếp cho các dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ đổi mới công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ, chú trọng phát triển cơ sở vật chất cho khởi nghiệp...

“Với những nỗ lực đó, hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố đang ngày càng phát triển. Đã có doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bứt phá, gọi vốn thành công hàng triệu USD. Thành phố cũng được Hiệp hội phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam - Vinasa vinh danh là thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong năm 2020 và 2022”, ông Cường chia sẻ.

Đồng thời, vị Phó Chủ tịch cho hay Đà Nẵng cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của toàn bộ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để phát triển.

Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), tại Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói chung và các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng đã có sự phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả ấn tượng.

Với vai trò trung tâm của hệ sinh thái, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã có sự bứt phá và tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội.

Các đại biểu tham quan gian hàng của doanh nghiệp tại sự kiện

Báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ghi nhận Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua. Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 do WIPO công bố cũng cho thấy, Việt Nam xếp vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế, giữ vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (thứ 7) và Thái Lan (thứ 43).

Việt Nam hiện có hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 196 khu làm việc chung, 69 vườn ươm doanh nghiệp và 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh được thành lập. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm coi Việt Nam là thị trường mục tiêu hoặc có hoạt động tại Việt Nam là 108, trong đó có 23 quỹ có pháp nhân Việt Nam, 23 quỹ thuần Việt.

Con số này liên tục tăng trong những năm vừa qua thể hiện sự tham gia tích cực của cộng đồng vào phát triển hệ sinh thái. Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam được đánh giá ở vị trí 54 trên thế giới, thứ 12 khu vực châu Á - Thái Bình Dương (theo đánh giá của Startup Blink năm 2022).

Theo ông Phạm Hồng Quất, Đà Nẵng có vai trò, vị trí cực kỳ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế vùng và quốc gia khi nằm trên trục giao thông huyết mạch Bắc Nam, là cửa ngõ giao thông quan trọng của cả khu vực miền Trung và Tây nguyên cũng như điểm kết nối của hành lang kinh tế Đông Tây.

Do đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43 về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, mục tiêu “Xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.