Khởi nghiệp thông minh

Dù làm mẹ của 3 con nhỏ, nhưng chị Linh Đỗ (Phố Vọng, Hà Nội) vẫn không ngừng theo đuổi con đường khởi nghiệp của riêng mình. Chị đã mở một trung tâm nha khoa thẩm mỹ, kèm theo đó là dịch vụ Spa, đồng thời cung cấp các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp cho chị em phụ nữ. Nắm bắt được xu hướng của phụ nữ hiện đại, nhiều người đã tìm đến các thẩm mỹ để cải thiện nhan sắc, nhưng ngoài việc có tay nghề cao của đội ngũ bác sĩ, thì còn cần có phương án tài chính phù hợp cho khách hàng. Do đó, tại Nha khoa thẩm mỹ của chị Linh đã linh hoạt áp dụng giải pháp “làm đẹp trả góp - lãi suất ưu đãi”. Khi hình thức này được tung ra, đã thu hút một lượng lớn khách hàng đặt lịch tư vấn và thậm chí là chốt ngay phương án sử dụng dịch vụ, khiến doanh thu tăng vượt trội.

{keywords}
Không chỉ mua sắm đồ điện máy, điện tử, đồ gia dụng... mới có thể mua trả góp, mà tài chính tiêu dùng đã phủ sóng ở hầu hết các lĩnh vực, dịch vụ

“Việc dùng các chiến lược linh hoạt trong kinh doanh để mang lại lưu lượng khách hàng lớn là vô cùng cần thiết. Ngoài sản phẩm, dịch vụ tốt thì còn cần phù hợp túi tiền người tiêu dùng. Chúng tôi không chỉ bán dịch vụ mà còn đưa ra giải pháp chi tiêu cho khách hàng một cách hiệu quả. Hiện nay, có rất nhiều công ty tài chính tiêu dùng có thể hỗ trợ mọi người mua sắm, chi tiêu với nguồn tiền hạn chế bằng hình thức mua trả góp, vay tiêu dùng các khoản vay nhỏ... Trước kia mọi người thường nghĩ mua sắm đồ điện máy, gia dụng, xe máy hay điện thoại mới có thể mua trả góp, nhưng thực tế, tài chính tiêu dùng đã phủ sóng ở hầu hết các lĩnh vực, dịch vụ. Đối với tôi, chìa khóa thành công là sự kiên trì, sáng tạo và luôn để ý xem điều gì sẽ khiến khách hàng quan tâm nhất”, chị Linh chia sẻ.

Trao đổi tại một toạ đàm về phát triển tài chính tiêu dùng, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV cho biết: “Văn hóa tiêu dùng, vay mượn của người dân ngày càng thay đổi. Những năm gần đây, không kể năm 2020 do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nền kinh tế tăng trưởng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng lên, tầng lớp trung lưu nhiều hơn, nên nhu cầu tiêu dùng, mua sắm gia tăng, khiến nhu cầu tín dụng, tài chính tiêu dùng gia tăng.”

“Hơn nữa, quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ tạo ra nhiều cơ hội cho thị trường tài chính tiêu dùng phát triển theo hướng hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, tăng trải nghiệm khách hàng, tiết giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận cho khách hàng”, vị chuyên gia phân tích.

Nhận định về tiềm năng phát triển tài chính tiêu dùng, TS. Cấn Văn Lực cho biết, thị trường tài chính tiêu dùng đang có tiềm năng lớn nhờ triển vọng phục hồi, tăng trưởng kinh tế (6,5 - 7% giai đoạn 2021 - 2030), tăng thu nhập của người dân (khoảng 6%/năm đến năm 2030) là tương đối khả quan, trong khi quy mô tài chính tiêu dùng vẫn còn khiêm tốn.

Hình thành hệ thống tiêu dùng số

Theo đánh giá của Facebook và Bain & Company, Đông Nam Á là một trong những khu vực sôi động nhất đối với nền kinh tế số, nơi hứa hẹn sự phát triển của người dùng Internet và người tiêu dùng số. Điều này mang lại cơ hội duy nhất cho mọi loại hình kinh doanh, đưa khu vực này trở thành động lực tăng trưởng của thế giới.

{keywords}
 Tại Việt Nam, các kênh bán hàng trực tuyến, các dịch vụ cung cấp tài chính online cũng “lên ngôi” và đóng vai trò ngày càng lớn trong từng chặng của hành trình mua sắm

Khảo sát của Bain & Company chỉ ra, tại Việt Nam, cứ 7 trong số 10 người tiêu dùng đều được tiếp cận kỹ thuật số. Dự kiến Việt Nam sẽ có 53 triệu người tiêu dùng số vào cuối năm 2021. Tốc độ tăng trưởng người tiêu dùng số song hành với mức tăng chi tiêu số nhanh chóng trên địa bàn lên tới 80%/năm. Dự kiến tổng giá trị mua sắm trực tuyến sẽ tăng gấp đôi tính đến năm 2026.

Nguyên nhân dẫn đến sự tăng tốc mạnh mẽ này là do đại dịch Covid, đã dẫn đến sự thay đổi lớn trong chi tiêu mua sắm của người dân. Nhờ đó, các kênh bán hàng trực tuyến, các dịch vụ cung cấp tài chính online cũng “lên ngôi” và đóng vai trò ngày càng lớn trong từng chặng của hành trình mua sắm như: khám phá, đánh giá và mua hàng.

Mặc dù vậy, các chuyên gia tài chính từ Deloitte đã phân tích, Việt Nam có hệ thống ngân hàng khá lớn và thanh khoản dồi dào, nhưng mức độ tài chính bao trùm còn thấp. Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện đã nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển các dịch vụ tài chính số, như thanh toán, cho vay, bảo hiểm và tiết kiệm kỹ thuật số...

“Những loại hình tài chính này vẫn còn dư địa đáng kể để tăng trưởng tại Việt Nam, do tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao và cước phí truy cập internet/Wi-Fi thấp. Trong khi vẫn giữ cách tiếp cận thận trọng đối với các quy định về fintech, Ngân hàng Nhà nước có thể tăng việc cấp phép để hỗ trợ các công ty fintech đa dạng hóa sang các lĩnh vực khác như cho vay. Nhìn chung, sự phát triển của dịch vụ tài chính số và fintech cũng sẽ dẫn đến cải thiện toàn diện tài chính và giúp giải quyết những hạn chế trong lĩnh vực này”, các chuyên gia từ Deloitte nhấn mạnh.

Thái Minh