- Theo GS. Alan Doig, không nên đợi đến khi tống được kẻ tham nhũng vào tù rồi mới tính đến việc lấy lại tài sản đã bị chiếm đoạt.

Nhận định về tình tiết mới trong bộ luật Hình sự sửa đổi - người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản nếu chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô thì chỉ phải nhận án chung thân, GS. Alan Doig, chuyên gia về phòng, chống tham nhũng của UNDP nói tại một tọa đàm vừa được UNDP tổ chức: Việc trả lại tiền không giúp giảm tham nhũng.

"Kẻ tham nhũng trả lại 3/4 tiền chiếm đoạt được, thoát án tử, ở tù và vẫn giữ được 25% số tiền đó, chỉ là không được về nhà thôi", GS. Doig chỉ ra.

"Tôi hiểu mục đích của những người làm luật là giảm nhẹ hình phạt để thu hồi lại lợi ích cho nhà nước. Nhưng tôi không thấy giá trị của việc này, kẻ phạm tội lại có quyền quyết định sẽ trả lại bao nhiêu tiền và vẫn được giữ lại 25% tiền tham nhũng".

{keywords}

GS. Alan Doig

Ông phân tích: "Tham nhũng là tham nhũng, bất kể là số tiền bao nhiêu. Vấn đề không phải là anh nhận hối lộ bao nhiêu tiền, mà là anh đã đánh mất lòng tin vào cơ quan nhà nước. Anh được trả lương để phục vụ dân, anh không được phép nhận hối lộ. Dù chỉ là một đồng, anh nhận là anh đi ngược lại đạo đức công vụ".

Nhưng chuyên gia UNDP đồng tình với yêu cầu thu hồi tài sản tham nhũng, mà theo ông, có nhiều cách khả thi so với pháp luật phòng chống tham nhũng hiện hành của VN.

Theo GS. Doig, mọi việc nên bắt đầu từ khâu phòng: Nên hình sự hóa các tội về không kê khai xung đột lợi ích; không kê khai tài sản bất chính; và không đăng ký tài sản.

Nếu phạm phải các tội này, có thể bị quy kết là không tuân thủ các quy trình phòng ngừa tham nhũng, và có thể bị coi là làm giàu bất hợp pháp. Tài sản bất minh này hoàn toàn có thể thuộc diện phải thu hồi.

Như vậy, theo chuyên gia, không cần phải trải qua các quy trình tố tụng, đặc biệt là phải chờ có bản án hình sự mới thi hành được, trong đó có việc thu hồi tài sản.

Kể cả khi có bản án, nhưng không phải tội tham nhũng vì không đủ chứng cứ chứng minh, thì vẫn có thể thu hồi tài sản tham nhũng bằng cách áp dụng các chế tài liên quan đến các tội về thuế và rửa tiền.

“Để thu hồi được một cách hiệu quả, cần mở rộng các khả năng tiếp cận, đồng nghĩa với việc sửa đổi toàn diện pháp luật về lĩnh vực này, bao gồm bộ luật Hình sự, luật Phòng chống tham nhũng và các khuôn khổ về thuế, phòng chống rửa tiền”, ông Alan Doig nói.

Chuyên gia UNDP chia sẻ thêm một cách làm ở Anh: Để các cơ quan tư pháp tích cực hơn trong việc điều tra, truy tố và xét xử tham nhũng, họ được quyền giữ lại một phần số tiền thu hồi được từ tham nhũng.

“Ví dụ, tòa án được giữ lại 18%, viện công tố 18%, công an và hải quan 15%”, ông Alan Doig nói.

{keywords}

TS. Đào Lê Thu

Thêm kinh nghiệm từ Anh, ông Christopher Batt, cố vấn khu vực của Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy LHQ (UNODC), chuyên về phòng chống ra tiền, cho biết thuế là một công cụ hữu hiệu.

"Có thể không chứng minh được một người là tham nhũng, nhưng so sánh giữa thu nhập hợp pháp với tài sản thực tế mà anh ta sở hữu, có thể tìm ra lỗ hổng. Lương anh chỉ vài trăm đô mà ở ngôi nhà trị giá cả trăm nghìn đô, vậy anh đã nộp thuế cho khối tài sản lớn đó chưa?", ông Batt nêu.  

Bình luận những kiến nghị này của chuyên gia UNDP, TS. Đào Lê Thu, ĐH Luật Hà Nội, người tham gia soạn thảo dự thảo bộ luật Hình sự sửa đổi, đồng tình việc thu hồi tài sản tham nhũng có thể tiến hành ngay ở các quy trình phòng ngừa tham nhũng.

“Đó thực sự là cách làm đột phá. Làm được thế có nghĩa là ta chặn được từ khi tham nhũng mới manh nha”, bà Thu nói. “Những biện pháp này có lẽ lâu nay ta chưa nghĩ đến, cứ chú trọng phải tìm ra tham nhũng mới xử lý và thu hồi được. Nhưng rõ ràng có những cách khác để thu hồi tham nhũng”.

Bài và ảnh: Chung Hoàng