Trong cuộc sống, nếu không giữ thiện căn, giữ lòng nhịn nhường, điềm tĩnh, thì có những khi hai chữ “tử tế” sẽ trở thành điều xa xỉ. Sửa chữa những xô lệch trong các lĩnh vực cuộc sống mới mong lấy lại nền tảng ứng xử tốt đẹp này.
Chẳng hạn, trong giao thông, người đi đường bây giờ hầu như ít có sự nhường nhịn, cứ tạt được qua đầu nhau là tạt, bất kể ô tô hay xe máy, đi đường trường thì phóng nhanh vượt ẩu. Chỉ vài bước chân, vài giây chờ đợi đèn xanh, cần nối đuôi nhau đi thẳng hàng cho thông thoáng cũng không chờ, hở một chút khoảng không là cố chen lên. Cứ vậy làm gì đường không ùn tắc, không xảy ra tai nạn?
Mỗi ngày bao nhiêu vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và kéo theo bao hệ lụy: có những cái chết thương tâm, có người chịu tàn phế cả đời. Vì thế khi tham gia giao thông phải vô cùng điềm tĩnh “nhường một bước gặt vạn điều lành”.
Người viết bài này tính tình vốn cũng dễ nóng nảy, thích cái gì cũng “nhanh lên chứ vội vàng lên với chứ” (thơ của Xuân Diệu), vậy mà sau gần chục năm cầm lái, qua bao va quệt và kinh nghiệm trên đường đi (và cả trong cuộc sống, đường đời) cho đến những năm gần đây mới tập được cho mình một chút thiền, một chút nhường nhịn, một chút chịu đựng và bình tĩnh.
Sự bình tĩnh, nhường nhịn trong giao thông cũng như trong cuộc sống, phải chăng đó cũng chính là sự thể hiện điều tử tế cần thiết trong hành vi của mỗi con người?
Trong văn hóa giao thông, thiếu nhường nhịn sẽ thành họa. Ảnh minh họa: Tuổi trẻ |
Còn trong kinh doanh, buôn bán, chữ tín là sự thể hiện sự tử tế cao độ: hàng gì tốt bảo tốt, xấu bảo xấu. Nhờ có chữ tín mà khách hàng cũng như đối tác ngày càng đông lên, tiếng lành đồn xa, sự giàu mạnh cũng từ đó mà ra.
Trong khi đó, thử nhìn xem từ việc lớn như đầu tư dự án trong xây dựng, cầu đường cho đến đầu tư mua sắm thiết bị, máy móc. Nếu không tử tế, minh bạch thì sẽ bớt xén mỗi nơi, mỗi hạng mục một ít, càng nhiều càng tốt. Trong khi một bộ phận, một nhóm người có chức quyền được ăn chia, hưởng lợi thì lại để khổ cho đại đa số người tiêu dùng, sử dụng. Nhà cửa, cầu đường nhanh chóng xuống cấp, máy móc nhanh chóng hỏng hóc, lạc hậu, gây lãng phí vô cùng tận.
Những năm gần đây chúng ta “nói không với thực phẩm bẩn”, các ban ngành phối hợp bắt giữ khám xét các cơ sở kinh doanh buôn bán thực phẩm, mới thấy lộ ra bao chuyện kinh hoàng – các loại thịt, thực phẩm kém chất lượng do những con người “không tử tế” tuồn ra thị trường, rồi lại đi hết vào dạ dày chúng ta.
Không chỉ thực phẩm bẩn, cứ thứ gì bán mà lừa được người mua là làm. Cân đong đo đếm thiếu, tráo hàng tốt bằng hàng xấu, mác ngoại hàng nội, hàng giả hàng nhái khắp nơi, phun thuốc bảo quản độc hại không nương tay.
Ở đâu khi mà hai chữ tử tế bị lu mờ thì ở đó sự giả dối, lừa lọc và những cái xấu lên ngôi. Các cụ dạy “thiện căn cốt ở lòng ta” quả đúng không sai, lòng mà không thiện thì ắt sinh điều dữ.
Trong mối quan hệ gia đình, xã hội, có những khi chữ lễ nghĩa không còn được đặt lên hàng đầu. Các mối quan hệ có vẻ lỏng lẻo hơn trước, dưới không còn kính trên, trên không còn nhường dưới như xưa nữa. Vậy mới có chuyện đây đó cha mẹ bị con cái hắt hủi, ngược đãi, lăng nhục, trẻ nhỏ bị bỏ rơi.
Ở đâu gia đình không còn là tổ ấm, là chốn sum họp thì cái tôi cá nhân ích kỷ sẽ nổi lên, lớn dần đến lúc nào đó không ngại ngần đạp nát “cái ta”. Sự ích kỷ nhỏ nhoi sẽ bóp nghẹ nghĩa tình, nề nếp gia đình.
Người viết từng ám ảnh câu chuyện nàng dâu cầm gậy phang chết mẹ chồng quăng xuống giếng ở Bắc Giang, lý do chỉ vì bà kêu mất chiếc điện thoại trong khi nhà chỉ có hai mẹ con. Đương nhiên bao năm mẹ chồng nàng dâu sống trong một nhà đã dồn nén nhiều sự bất hòa, nhưng nhẽ ra đều có thể hóa giải được nếu cả hai có sự bình tĩnh và nhường nhịn, thay vì cả giận mất khôn.
Đó đây bao nhiêu chuyện đau lòng xảy ra mà nếu như ai cũng biết sống hướng thiện, biết rèn rũa cái tâm của mình thiền đi một chút, tĩnh đi một chút, chịu thiệt đi một chút thì nhiều hê lụy đã không xảy ra.
Lại nhớ một chuyện có cô gái trẻ bị xe ô tô tông vào, cô ngã xuống đường xây xước chân tay mặt mũi. Anh lái xe hùng hổ bước xuống, không xin lỗi còn mắng cô gái té tát trong khi ai cũng thấy anh ta sai. Nhưng cô im lặng không cãi lại, không thanh minh, gắng gượng dậy nổ máy đi tiếp. Có người hỏi tại sao cô lại hiền vậy, cô đáp: “Cháu ăn chay, tập thiền từ nhỏ, mẹ cháu luôn dạy một điều nhịn là chín điều lành!”. Câu trả lời của cô gái khiến bao người ngỡ ngàng, khâm phục.
Sự xô lệch cần sửa chữa không chỉ ở một vài lĩnh vực kể trên, mà để lấy lại sự tử tế thì cốt lõi phải là ở những bậc cha chú, các nhà quản lý. Những vị trí tối thượng này càng cần có tấm gương sáng về sự tử tế, nghĩ và làm những điều tử tế gia đình, cho dân, cho nước.
Nguyễn Thị Hồng Ngát