- Ngày 16/5, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Nghị quyết một lần nữa khẳng định chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.
Không hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự
Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Kiểm toán Nhà nước và các bộ, cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi, ban hành hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và kiểm toán theo hướng lồng ghép, phối hợp và kế thừa kết quả hoạt động giữa các cơ quan.
Công khai trước kế hoạch thanh tra, kiểm tra và kiểm toán doanh nghiệp để tránh trùng lặp, chồng chéo; không thanh tra, kiểm tra khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực về quản lý thuế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. |
Bộ Công an rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về an ninh, an toàn xã hội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động theo những quyền kinh doanh đã được pháp luật quy định; xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm pháp luật, buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại, vi phạm pháp luật về môi trường… để bảo đảm sự bình đẳng và quyền lợi của các doanh nghiệp chân chính; không hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự. Tạo môi trường lành mạnh, an toàn để doanh nghiệp kinh doanh theo đúng pháp luật.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật (không quá một lần/năm); kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng; chỉ đạo các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.
Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ
Nghị quyết nhấn mạnh, để xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế, cần bảo đảm các nguyên tắc: Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm.
Thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.
Nhà nước bảo đảm sự ổn định, nhất quán, dễ dự báo của chính sách; ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện. Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như: Vốn, tài nguyên, đất đai… và đầu tư kinh doanh
Nghị quyết yêu cầu, các quy định về điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, có lộ trình phù hợp để sớm bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm gắn với điều kiện, quy định cụ thể và thanh tra, kiểm tra, giám sát…
Đề thực hiện yêu cầu kiến tạo vào phục vụ DN, Nghị quyết yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và xây dựng chính phủ điện tử.
Chính phủ yêu cầu các các Bộ, ngành và địa phương thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc, triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Thực hiện kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020' đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và đạo đức đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ theo tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nghiêm túc thực hiện Chính phủ điện tử để công khai, minh bạch nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước qua môi trường mạng. Công khai quy trình, thủ tục, điều kiện kinh doanh (nếu có), kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị mình.
Thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Rà soát, thống nhất đầu mối tiếp nhận và xử lý hồ sơ; hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp theo nguyên tắc khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về toàn bộ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung đối với mỗi bộ hồ sơ. Thông báo phải nêu rõ yêu cầu sửa đổi, bổ sung và lý do của việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung.
Quán triệt cán bộ công chức về đạo đức công vụ, cải cách hành chính; chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu; tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp. Công khai quy trình và cán bộ có trách nhiệm xử lý hồ sơ, tăng cường thanh tra công vụ; kiên quyết xử lý các cán bộ vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Nghị quyết yêu cầu, đi cùng với cải cách hành chính cần xây dựng Chính phủ điện tử để thuận lợi và minh bạch trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý và điều hành.
Nghị quyết ghi rõ, yêu cầu đưa nội dung: “Đổi mới mạnh mẽ công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử và kiểm soát thủ tục hành chính, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ” vào Nghị định thay thế Nghị định số 74/2012/NĐ-CP ngày 29/9/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ.
Nghị quyết nêu rõ, mục tiêu đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30 - 35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hàng năm, có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo. |
PV