- Dự án xây dựng bãi đỗ xe tận dụng hạ tầng của dự án xây dựng khách sạn đã bị thu hồi trong Công viên Thống Nhất, dù mới được phê duyệt nguyên tắc về chủ trương…, tuy nhiên, góc độ các chuyên gia nhận định, cần cẩn trọng xem xét.

Nên 'vẽ' gì trên đất công viên định xây bãi xe ngầm?

KTS Trần Huy Ánh chia sẻ những tư liệu bằng hình ảnh liên quan đến công viên Thống Nhất để có thể giúp các nhà tư vấn thiết kế có thêm thông tin trước khi đặt bút 'vẽ' nên bãi đỗ xe ngầm trên là công viên – cây xanh.

Theo KTS Trần Huy Ánh, Hà Nội thiếu đủ thứ, trong đó thiếu bãi đỗ xe ô tô. Nhưng nếu ngăn vỉa hè để cho thuê đỗ xe, hay ưu tiên doanh nghiệp làm bãi đỗ xe để rồi ưu đãi giao đất công viên khai thác thương mại bù lỗ... thì là việc làm chưa thuyết phục.

{keywords}
Khu sinh hoạt cộng đồng trong CV Thống Nhất bị nhiều lần suýt bị "cắt xén" để làm các dự án xây dựng hạ tầng.

Quan điểm cá nhân, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, bãi đỗ xe là một phần bất động sản BĐS, không nên coi là hạ tầng công cộng, phục vụ giá rẻ. Nếu làm như vậy tất cả các chủ đất xây nhà, công trình dịch vụ, thương mại và đẩy vai trò cung cấp chỗ đỗ xe cho xã hội, và như thế, ngân sách xã hội không bao giờ đáp ứng đủ.

Cần đưa bãi đỗ xe vào các công trình bất động sản thương mại, nhà ở kinh doanh... như nhiều nước trên thế giới đã làm. Không nên mập mờ công cộng, xã hội hóa để rồi chiếm đất công thành đất tư.

“Công viên Thống Nhất đã một lần thất bại dự án chiếm đất công làm khách sạn tư nhân. Thành phố dùng quỹ đất, quỹ tiền ngân sách (thực tế là tiền dân) để đền bù giá đắt lấy lại đất này, nay lại “mở đường” giao đất cho doanh nghiệp, dần dà cổ phần hóa, xã hội hóa và tư nhân hóa đất công viên cây xanh.

Nhiều năm trước, khi dự án khách sạn SAS được phê duyệt xây dựng trong Công viên Thống Nhất, Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam đã cùng với báo chí thảo luận rộng rãi để phản biện việc bất hợp lý, nên rất rõ quan điểm bảo vệ quỹ đất cây xanh công viên cho Thành phố.

{keywords}
"Lá phổi xanh" Công viên Thống Nhất của Thủ đô.

Gần đây, Hội QH&PTĐT Việt Nam đã tiếp tục tổ chức hội thảo về vấn đề này, trong đó có sáng kiến khai thác đất ngầm làm bãi đỗ xe, mặt đất trả lại cây xanh, sân chơi cho người già, trẻ em và tất cả mọi người là một ý tưởng cần khai thác” – KTS Trần Huy Ánh.

Trước khi trình phương án xây dựng bãi đỗ xe trên khu đất bị thu hồi của dự án xây dựng khách sạn, dự án xây dựng bãi đỗ xe cao tầng CV Thống Nhất cũng đã được “manh nha” xin ý kiến của Hà Nội và ý kiến người dân.

PGS. KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nội đã thẳng thắn phân tích, đó là dự án bất hợp lý, xâm hại đến không gian xanh của Thủ đô, và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan, mặt bằng của khu không gian chung dành cho cộng đồng.

Về thực trạng Hà Nội đang thiếu trầm trọng không gian dành cho giao thông tĩnh, phương án của chủ đầu tư về việc xây dựng bãi đỗ xe cao tầng nhằm góp phần tháo gỡ thực trạng này, KTS Trần Trọng Hanh khẳng định: Hệ thống giao thông tĩnh của Hà Nội còn thiếu, nhất là các quận nội thành. Tuy nhiên, việc chọn vị trí, địa điểm để xây dựng các điểm khai thác điểm đỗ trong nội đô lại là một câu chuyện khác. Không thể cứ thiếu điểm đỗ xe là có thể cắt xén đất công viên bừa bãi được.

Ông Hanh phân tích: “Tỷ lệ không gian xanh ở Hà Nội còn thiếu rất nhiều. Ở nhiều quốc gia, tỷ lệ này được xây dựng trên cơ sở chia theo tổng số dân, nếu theo tiêu chí này thì ta quá thiếu. Hơn nữa, không gian xanh, không gian công cộng mục đích chính là để trồng cây xanh chứ không có mục đích nào khác. Trong những không gian như thế, quỹ đất dành cho cây xanh chiếm đến 90%. Các cơ sở hạ tầng, kỹ thuật chỉ chiếm 4 – 5% mà thôi".

Theo ông Hanh, vai trò của công viên, đó là những lá phổi, vì thế, hiệu quả của nó không tính bằng kinh tế, mà là hiệu quả xã hội lâu dài. Hiệu quả trước mắt nếu chấp thuận dự án xây dựng bãi đỗ xe và vai trò là “lá phổi xanh” của công viên Thống Nhất, không ai lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo đối với hiệu quả xã hội, vai trò điều tiết không gian sống, làm giàu chất lượng sống… Hơn nữa, những không gian công cộng, đó là tài sản chung của dân cư, của xã hội.

{keywords}
Dù mới được chấp thuận nguyên tắc về chủ trương, tuy nhiên, những người yêu Hà Nội vẫn chờ đợi quyết định cuối cùng của Hà Nội.

"Bản thân tôi, khi còn thanh niên, tôi cùng với rất nhiều người trong các đoàn, hội… trong những ngày cuối tuần trực tiếp tham gia công sức để đào hồ Bảy Mẫu, bây giờ là công viên Thống Nhất. Đó là thành quả lao động của hàng triệu ngày công lao động, của hàng vạn người. Không phải trong chốc lát là có thể có một công viên đẹp đẽ như thế được.” - ông Hanh nói.

Ở một góc độ khác, chuyên gia Đào Ngọc Nghiêm nhận định: "Hà Nội không thiếu quỹ đất cho giao thông tĩnh, nhất là khi chủ trương chuyển dời trụ sở nhiều bộ ngành ra khỏi trung tâm thành phố!".

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, việc xây dựng bãi đỗ xe trong các công viên, vườn hoa mà Hà Nội đã phê duyệt hàng loạt dự án là một điều không hợp lý.

Nếu để giải quyết bài toán thiếu quỹ đất, thì Hà Nội vẫn còn quỹ đất lớn từ việc di dời các cơ quan, trụ sở bộ ngành, các trung tâm, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, ảnh hưởng, tác động xấu tới môi trường… trong nội đô.

KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận định: không gian công cộng, không gian xanh của Hà Nội rất thiếu và cần thiết, do đó không nên xây dựng các điểm/bãi đỗ xe trong công viên.

"Chỉ tận dụng một phần diện tích quỹ đất đó với điều kiện không làm giảm và xâm hại đến diện tích cây xanh, lớp phủ cây xanh bề mặt. Do đó, nếu tiến hành thì nên triển khai xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, tuy nhiên, sẽ tốn kém nhiều tiền đầu tư và khả năng thu hồi vốn chậm.” - ông Nghiêm nói.

Kiên Trung