Du Xiaomiao (29 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) vừa ra mắt dịch vụ trò chuyện trực tuyến trên nền tảng thương mại điện tử Taobao vào tháng 4.
Chỉ với 5 NDT (hơn 16.000 đồng), khách hàng có thể nói chuyện với Du về bất cứ điều gì họ muốn mà không bị giới hạn thời gian. Du đặt tên cho thương hiệu của mình là "cây rỗng", nhằm nói đến không gian trực tuyến cho những ai muốn bày tỏ sự lo lắng và đấu tranh tinh thần.
Mỗi buổi thường kéo dài 2-3 tiếng, Du sẽ có nhiệm vụ lắng nghe khách hàng chia sẻ. Thỉnh thoảng, cô gái sẽ đưa ra lời khuyên mặc dù không có chuyên môn về tài chính hay được đào tạo qua bất cứ lĩnh vực nào.
Đối với Du, cô gái xem mình là một người chữa lành chứ không quan trọng là chuyên viên tư vấn.
"Tôi thấy nhiều người thường bị mắc kẹt trong các mối quan hệ của họ. Mặc dù tôi không thể giải quyết tất cả vấn đề nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức để giúp đỡ những người tôi gặp", Du nói.
Không chỉ riêng Du, ngày nay, mạng xã hội đang nở rộ các dịch vụ cung cấp "cuộc trò chuyện đồng hành" thay vì tư vấn tâm lý truyền thống như trước đây.
Lí do bởi sự cô đơn và các vấn đề về sức khỏe tâm thần ngày càng gia tăng ở giới trẻ Trung Quốc. Ngoài ra, dịch vụ này lại có chi phí thích hợp và sự tiện lợi, phù hợp với những thanh niên ngại tương tác trực tiếp, thích làm bạn với người lạ.
Huang (28 tuổi) cũng vừa ra mắt dịch vụ này từ tháng 9. Chỉ trong vài tuần, anh đã đạt doanh số 80 khách hàng/ngày. Đơn vị của anh có đến 40 nhân viên làm việc và anh cũng đang tuyển thêm để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Dịch vụ của Huang cung cấp 4 cấp độ khác nhau, với mức giá tùy theo kinh nghiệm và trình độ của nhân viên tư vấn. Một cuộc gọi điện thoại kéo dài 15 phút, khách hàng phải trả số tiền dao động từ 66.000 đồng đến 300.000 đồng. Riêng dịch vụ tư vấn trực tiếp có thể lên đến 5 triệu đồng/phiên.
Một nhà cung cấp dịch vụ nổi tiếng trên Taobao cho hay, mỗi tháng, đơn vị đạt hơn 40.000 "đơn hàng". Đơn cử, One Psychology là một trong những nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe tâm thần trực tuyến hàng đầu tại Trung Quốc, với mức giá 66.000 đồng cho mỗi 30 phút.
Thay vì đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn như những đơn vị khác, nhân viên tại One Psychology chỉ cần trên 18 tuổi, hoạt ngôn và có giọng nói hay.
Shi, sinh viên năm cuối thích một công việc linh hoạt, đã làm nhân viên trò chuyện trực tuyến khoảng 1 năm. Cô gái có thể chọn thời gian và tự do làm việc cho nhiều nhà cung cấp cùng lúc.
Mỗi ngày, Shi dành 2 giờ để nhắn tin cho khách hàng, thậm chí đang trong giờ học. Khách hàng chủ yếu là những người đàn ông đang tìm kiếm người để trò chuyện. Tuy nhiên, một khi chủ đề trò chuyện bị chuyển sang chủ đề tình dục, đơn hàng đó sẽ bị hủy ngay lập tức.
Li (36 tuổi) đã làm việc gần 20 năm trong lĩnh vực nhân sự, bao gồm cả việc đưa ra lời khuyên và tư vấn nghề nghiệp. Trong thời kỳ đại dịch, công ty của cô sa sút nhanh chóng, khiến cô phải xem xét lại sự nghiệp của mình.
Sau khi thử tư vấn nghề nghiệp trực tuyến, cô đã tham gia khóa học tư vấn chính thức và nhận được chứng chỉ của Bộ Nhân lực và An sinh xã hội.
Theo quan điểm của cô, các dịch vụ trò chuyện trên các trang như Taobao có liên quan đến liệu pháp tâm lý vì cả hai đều yêu cầu sự lắng nghe. Mặc dù hiện nay ai cũng có thể làm nghề này, nhưng cô dự đoán rằng sắp tới, thị trường sẽ loại bỏ những người không đủ tiêu chuẩn.
Trong khi đó, Zhou Xiaopeng, nhà tâm lý học lại cho rằng bản chất của tư vấn tâm lý là giúp khách hàng đối mặt sự tiêu cực, không đơn thuần là lắng nghe và trò chuyện. Thực tế, những dịch vụ trò chuyện trực tuyến chỉ nhằm mục đích tham lam và lười biếng.
Lin Bin, giám sát dịch vụ khách hàng tại Taobao, nhận định các dịch vụ trò chuyện đơn giản trên nền tảng này không thể khẳng định là cung cấp liệu pháp tâm lý chuyên nghiệp. Ngày nay, mạng xã hội Taobao vẫn chưa có những tiêu chuẩn thống nhất cho loại hình tư vấn này, mặc dù ngày càng có nhiều người tìm đến nó.
Theo Dân Trí