Ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội dẫn đầu đoàn công tác cùng đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN & PTNN), Bộ tư lệnh Bộ độ biên phòng (Bộ Quốc phòng) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Bộ Công thương) đã đến làm việc tại TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh. 

Đoàn đã đi thực địa kiểm tra công tác phòng chống thiên tại tại một số công trình thiên tai; làm việc với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, tỉnh về công tác phòng chống thiên tai năm 2023.

Tại TP Hải Phòng, đoàn kiểm tra thực địa tại cống Cầm Cập, cống EC tuyến đê biển; điểm khắc phục sạt lở tại tại Nghĩa trang liệt sĩ quận Đồ Sơn; tuyến đê biển Cát Hải. 

Tại Quảng Ninh, đoàn tiến hành kiểm tra thực địa tại hồ Tràng Vinh, thành phố Móng Cái. 

W-kiem-tra-2.jpeg
Đoàn tiến hành kiểm tra thực địa 

Qua công tác kiểm tra, Trưởng đoàn công tác ghi nhận công tác phòng chống thiên tai tại các tỉnh, thành phố đã được triển khai cơ bản toàn diện, theo yêu cầu; tổ chức kịp thời ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai trong năm 2023. 

Nhằm sẵn sàng cho công tác phòng chống thiên tai trong thời gian tới, thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đề nghị Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn 2 tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung.

Cụ thể, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn 2 tỉnh, thành phố cần phải đảm bảo an toàn tuyệt đối hệ thống đê biển. Trong đó, chú trọng công tác bảo vệ hệ thống rừng ngập mặn; tiếp tục quan tâm, có giải pháp ưu tiên nguồn kinh phí củng cố, sửa chữa, nâng cấp các tuyến đê, kè xung yếu, kém ổn định, có nguy cơ mất an toàn.

Các địa phương cần tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho lực lượng tham gia Đội xung kích phòng chống thiên tai xã/phường/thị trấn; tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng.

Song song đó, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn 2 tỉnh, thành phố cần nghiên cứu phương án chống lụt đô thị; sạt lở hầm lò; phương án bảo vệ các khu vực công nghiệp, cảng biển; khu du lịch sát với thực tế, sẵn sàng triển khai, tránh bị động, lúng túng khi có tình huống thiên tai xảy ra.

Cuối cùng, các địa phương cần đầu tư trang thiết bị, hệ thống thông tin liên lạc để kịp thời phát hiện, ứng cứu ngư dân khi có tình huống phát sinh, bảo vệ ngư dân yên tâm bám biển, vươn khơi.

Theo thống kê, Hải Phòng có 24 tuyến đê với tổng chiều dài là 416,928 km. Trong đó, đê biển dài 58,225 km chạy qua địa bàn các quận Dương Kinh, Đồ Sơn, Kiến Thụy và mặt đối diện với biển trên địa bàn huyện Cát Hải; đê cửa sông dài 127,933 km; đê sông dài 230,770 km. Toàn hệ thống có 93,965 km kè và 383 cống dưới đê.

Còn tại  tỉnh Quảng Ninh hiện có gần 700km đê thuộc hai hệ thống: đê sông và đê biển. Đê sông tập trung chủ yếu ở huyện Đông Triều và thị xã Uông Bí với tổng chiều dài gần 80km. Toàn tỉnh có 440 km đê biển. 

Huyền An